Ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết người dân ĐBSCL trông chờ rất nhiều vào tuyến đường cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai lại có nhiều vướng mắc về vốn và giờ là thiếu cát san lấp. Theo báo cáo của Bộ GTVT và Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô 51,1 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.600 tỉ đồng, khởi công đầu năm 2015 nhưng tới nay vẫn “giậm chân tại chỗ” vì thiếu vốn. Dự kiến, ít nhất đến giữa năm 2020 mới hoàn thành. Còn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, thời gian khởi công lại càng “mờ mịt” hơn khi riêng thủ tục tìm nhà đầu tư đã mất gần 2 năm.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, bộ ngành cần vào cuộc tập trung tháo gỡ những nút thắt chính về giao thông của vùng ĐBSCL; phải hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngay trong năm 2019 bởi nguồn vốn đã cơ bản được giải quyết. Cùng với đó, tuyến N2, có 2 cụm dự án chính là tuyến Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Vàm Cống (An Giang) phải xong và đưa vào khai thác cuối năm nay. Tuyến Vàm Cống đi Kiên Giang cố gắng làm xong năm 2018; tuyến đường nối từ Cà Mau đến Sóc Trăng qua Trà Vinh - Bến Tre - TP.HCM, nếu làm sớm sẽ tạo ra trục giao thông rất thuận lợi...
Tại buổi làm việc, các bộ ngành và nhiều địa phương đều lên tiếng về tình trạng thiếu cát và giá cát tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: “Giá cát tăng từ 100% lên 300% dẫn tới ách tắc các công trình. Đơn cử như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, cát tăng đội giá hàng ngàn tỉ đồng, nhà nước nên chịu phần đội giá này thì nhà đầu tư mới an tâm thực hiện dự án”. Còn ông Sơn Minh Thắng cho biết qua khảo sát, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống có thể bị chậm trễ vì thiếu cát thực hiện việc san lấp mặt bằng tuyến đường kết nối.
Về vấn đề thiếu cát, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Việc khai thác cát ảnh hưởng đến xói lở của dòng sông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do vậy cần được kiểm soát chặt chẽ làm sao vừa đảm bảo an toàn người dân nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, luồng lạch cảng biển bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thấy cần thiết. "Chúng ta cấm khai thác bừa bãi, cát tặc phải bị xử lý nghiêm. Còn nếu khai thác đúng quy định, thì xem xét kỹ trước khi cấp phép. Bộ Xây dựng cũng phải khẩn trương nghiên cứu các vật liệu thay thế cát”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Bình luận (0)