Xe

'Tè bậy' phạt 3 triệu đồng: Ý thức người dân chưa cao vẫn khó áp dụng

03/12/2016 09:00 GMT+7

Từ 1.2.2017, với những hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 10 lần.

Tăng mức xử phạt cao gấp 10, 15 lần
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP (NĐ 155) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP (NĐ 179), có hiệu lực từ ngày 01.2.2017. Theo đó, NĐ 155 có sự thay đổi rất lớn về mức phạt tiền đối với các hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. So với NĐ 179 trước đây, mức xử phạt các hành vi này đều tăng lên cao gấp 10, 15 lần.
Cụ thể, tại điều 20 NĐ 155 quy định: Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt từ 500 đến 1 triệu đồng (tăng 10 lần so với NĐ 179); hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (tăng từ 5 đến 10 lần so với NĐ 179); hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị bị phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng (tăng hơn 15 lần). 
Mặc dù chính quyền địa phương ra đặt biển cấm nhưng ý thức của người dân chưa cao Ảnh: Tiến Nguyễn
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên là cần thiết, nhằm răn đe những người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống xung quanh. Trước đây, mức xử phạt các hành vi này không những còn khá nhẹ, mà các cơ quan chức năng chưa thật sự mạnh dạn xử phạt, dẫn đến quy định pháp luật bị xem thường và không đủ tác dụng răn đe người vi phạm.
Phạt nặng là cần thiết, nhưng chưa đủ
LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP.HCM cho biết, để quy định này đi vào cuộc sống và đảm bảo thực thi hiệu quả, thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường sống xung quanh và sức khỏe cộng đồng.
Song song với việc giáo dục, tuyên truyền, chính quyền cần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng (lắp đầy đầy đủ thùng rác, nhà vệ sinh nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại…) để người dân có điều kiện thực hiện. 
“Có một thực tế hiện nay là các đô thị lớn (TP.HCM, Hà Nội…) rất thiếu nhà vệ sinh công cộng, người dân khi có nhu cầu vệ sinh thì không biết phải làm sao. Trong tình thế bí bách, họ chọn giải pháp “trút bầu tâm sự” vào các gốc cây, bờ tường", LS Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Do vậy, theo LS Đức, cùng với việc tăng cường xử phạt thì chính quyền cần đồng bộ các giải pháp như đã nêu trên. Ngoài ra, chính quyền cần tăng cường trang bị các thiết bị ghi hình nơi công cộng để giám sát, cảnh báo người dân không thực hiện hành vi, ứng xử thiếu chuẩn mực, nếu không sẽ bị ghi hình và xử phạt. "Việc trang bị thiết bị ghi hình sẽ có tác dụng tâm lý đối với hành vi ứng xử của người dân nơi công cộng, giúp họ điều chỉnh hành vi của mình cho đúng mực”, LS Nguyễn Văn Đức góp ý.
Đồng quan điểm trên, LS Nguyễn Tri Đức (Đoàn LS TP.HCM cho biết), việc tăng mức tiền xử phạt lên cao và có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng trong việc tổ chức và kiểm soát những hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Tuy nhiên, việc tăng mức tiền xử phạt này có phù hợp và thiết thực hay không, đều phụ thuộc vào nhận thức của người dân.
Hình ảnh người đàn ông mặc vest, bước ra từ ô tô và đứng tiểu tiện giữa đường ở Hà Nội
Chia sẻ về vấn đề này, Ths Vũ Toản, Chuyên ngành Xã hội học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TP.HCM), cho rằng "trong công tác tuyên truyền, cần tập trung đề cao ý thức trách nhiệm, giá trị xã hội trong việc kiến tạo môi trường đô thị xanh - sạch, văn minh. Tổ chức không gian công cộng thân thiện, gần gũi để mọi người dân thuận tiện trong sử dụng và kiểm soát những hành vi lệch lạc. Vì không ai bình thường có thể ngồi xả xú uế trước sự chứng kiến của nhiều người. Để từ đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc tổ chức thực thi pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.