Họ quả quyết năm nay cũng không đi đâu lâu, vẫn vừa giữ rừng vừa đón tết.
Gần một năm rồi tôi mới về thăm lại rừng Cần Giờ (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, H.Cần Giờ, TP.HCM). Từ trung tâm phố thị, qua phà Bình Khánh rồi chạy thẳng đường Rừng Sác bạt ngàn, lạnh mát, tôi gọi điện cho “nữ hoàng tốc độ” Nguyễn Thị Loan (hộ dân giữ rừng tại phân khu 1). Từ đầu dây bên kia “bặt vô âm tín”, nhưng vài tiếng sau, chị đã gọi lại, xởi lởi “tết này xuống rừng chơi, năm nay nhà chị vẫn giữ rừng, vẫn ăn tết trong rừng”...
|
“Tết đến nơi rồi”
Tới bến tàu ở chợ Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp), những phần quà, bánh đỏ rực được chưng ở dãy tạp hóa bên đường khiến nhiều người nôn nao với không khí tết.
Lát sau, một người dân lái vỏ lãi ra đón, đi cùng tôi còn có đoàn của ban quản lý rừng, cán bộ kiểm lâm... Họ ôm những phần quà lỉnh kỉnh được gói giấy đỏ thắm xuống vỏ lãi, bảo nay tại phân khu 1 tổng kết năm, anh em đến chúc tết, động viên nhau sau một mùa lao động vất vả.
Vỏ lãi rẽ sông Lòng Tàu về hướng sông Dừa. Nắng ấm, ngó xung quanh những vạt rừng mắm, đước, chà là... xanh nghiêng mình thinh lặng. Nghe chim ríu rít từ phía những bờ rừng và hương xuân lá rừng trong lành xộc vào mũi, mới thấy tri ân xiết bao những con người đã khom lưng trồng và phục hồi rừng từ 30 năm trước. Bởi rừng ngập mặn Cần Giờ này xưa kia vốn là một vùng rừng nguyên sinh hơn 40.000 ha, nhưng rồi gần như bị phá hủy do chất khai hoang và bom đạn dội xuống trong chiến tranh. Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết hiện nay rừng có hơn 34.000 ha, có vai trò quan trọng trong biến đổi khí hậu, được xem là “bức tường xanh” của TP.HCM bởi rừng chắn hết những cơn bão từ Biển Đông đánh vào.
Sau 30 phút dập dềnh trên mặt sông, chúng tôi cập bến phân khu 1. Ở đó đã tấp nập vỏ lãi, ca nô neo đậu. Trên trụ sở, có cả những nhà nghiên cứu, giảng viên đại học ghé thăm. Ai cũng tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả.
Những “giọng hát vàng” của rừng bắt đầu ca cổ dù vẫn dáo dác ngó xem có sóng tàu không (sóng tàu là cách người dân gọi những đợt sóng dội vào bờ khi những tàu có tải trọng lớn chạy đè con nước và có thể làm chìm xuồng). Cư dân rừng Cần Giờ đàn ca tài tử khỏi chê. Nghe đâu tiết mục giao lưu văn nghệ với các hộ dân là một phần trong các tour du lịch tham quan tìm hiểu đời sống của người dân giữ rừng.
“Nữ hoàng tốc độ” Nguyễn Thị Loan loay hoay nhấc xoong ra khỏi cà ràng, bày biện các món ăn “organic” của rừng. Chị bảo: “Mùa này trong rừng gió thổi mạnh, trời lạnh lắm. Nằm ngủ ở cái chòi dựng đi dựng lại do bị sóng tàu đánh sập đó, lạnh chịu không nổi. Nhưng vầy là biết tết đến nơi rồi”. Chị Loan nối nghiệp cha mình giữ rừng, nhận khoán 120 ha. Chị khoe nhà mới lót lại cái sàn để đón xuân, cúng đất rừng vào mùng 10, còn trước mắt sẽ cắt vài bộ đồ, ra chợ mua ít bánh mứt trang hoàng bàn thờ, cúng kiếng.
Anh Trần Quốc Tuấn (Trưởng phân khu 1, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) đôi tay chai sần nâng mời khách chung trà, bảo năm nào tết tới cũng rộn ràng như vậy, nào thi ca hát, thi nấu bánh tét... chứ thường ngày quạnh quẽ lắm. Tết này anh Tuấn được nghỉ vài hôm, nhưng mùng 3 phải trở lại rừng.
|
“Giữ rừng không có ngày phép đâu !”
Cư dân rừng Cần Giờ nói đón tết trong rừng cũng có cái vui của nó. Chị Loan kể đêm 30, nhà nhà cúng kiếng xong xuôi, tắm táp, diện đồ mới cho sắp cháu xong thì sẽ lật đật nhảy lên vỏ lãi, tụ họp tới phân khu để đón giao thừa.
Nhìn ra sông Dừa tối mực vẫn miệt mài mạch chảy, xuồng ghe bồng bềnh trên sông, chỉ có bóng đèn trần sáng sáng ở phân khu, cư dân rừng vẫn ngân cao những câu ca vọng cổ. Họ bảo hễ vào giữ rừng là anh em, là “đôi ta như quế với gừng”, là coi như “gá nghĩa” với thiên nhiên.
“Đêm tết tối om mà phụ nữ nào cũng lái vỏ lãi, chặt cua ngọt xớt”, anh Tuấn vẫn hay ghẹo không chỉ chị Loan là “nữ hoàng tốc độ”, ở đây bất cứ người phụ nữ nào giữ rừng cũng đều là... “quái xế đường thủy viết nên lịch sử”, lái vỏ lãi như cưỡi sóng bay vọt lên đọt rừng.
Chị Trương Thị Lan (47 tuổi, hộ giữ rừng tại phân khu 1) cởi mở: “Tết này anh em đến phân khu, quây quần hát với nhau cho đỡ... cô đơn. Chị lớn lên ở đây, mang thai chuyển dạ vẫn phải nằm trên ghe máy về xã sinh con. Chị đứng tên nhận khoán thay ba giữ rừng đã 6 năm. Mình là chủ nhà vậy, bỏ đi không được, bởi vậy năm nào cũng đón xuân trên vỏ lãi. Giữ rừng không có ngày phép đâu!”.
Hàng chục năm, các hộ giữ rừng vẫn đón tết trong rừng. Chị Loan bảo: “Tết này chị về quê chồng ở Tiền Giang, đi về trong ngày vì không thể bỏ nhà bỏ cửa và phải giữ rừng”. Tuần lễ từ 30 tết, họ vẫn neo chút không khí ở một “tiền đồn” heo hút mà vỏ lãi của họ cắm sào để chốt đêm.
Anh Nguyễn Hoàng Phiên (tổ trưởng tổ tự quản của phân khu 1) cũng đã có “kế hoạch”, anh cho hay tết này để vợ về quê ở Vĩnh Long chơi đôi ngày, nhưng anh phải ở lại. “Tôi sẽ điện về ba mẹ vợ cáo lỗi...”, anh Phiên nói.
“Năm nay việc người bên ngoài lén vào đào địa sâm, chích điện khai thác thủy sản còn phức tạp; họ thường đi bằng vỏ lãi được độ máy, chạy tốc lực nhanh, nhiều lần còn chống trả mình. Ra rừng thấy đất bị xới lên mà đứt ruột, như nhà bị ăn trộm vậy, rừng là máu thịt mà. Mình chỉ có quyền giữ hiện trường, tịch thu phương tiện rồi báo cáo về cơ quan chức năng xử lý”, anh Phiên kể và cho biết thêm: “Mỗi hộ ngày nào cũng phải đi tuần tra rừng của mình. Đi để quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, nào là nắm số cây bị sạt lở, cây chết không rõ nguyên nhân, có động vật hoang dã nào không; nào là phòng chống cháy rừng, thiên tai...”.
“Bởi vậy, dù được du di thời gian trong tết nhưng nếu bỏ rừng lâu quá là không được, ngay lịch trực vẫn phải đi thôi”, anh Phiên quả quyết.
Khó khăn thường trựcHiện nay, rừng Cần Giờ có 7 phân khu (được gộp lại từ 22 tiểu khu trước đó) và hộ dân giữ rừng bằng chính sách giao khoán. Đa số họ là những người sống lâu năm trong rừng hay các hộ nghèo được vận động giữ rừng để cải thiện đời sống. Đến nay, chính quyền TP.HCM đã có nhiều chính sách góp phần chăm lo đời sống của người dân, nhất là nâng cao tiền công khoán lên hơn 1 triệu đồng/ha/năm; để họ sản xuất phụ... Chính điều này đã làm giảm đáng kể các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Tuy vậy, cư dân rừng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn như khan hiếm nước ngọt (giá nước ngọt mua từ các xà lan là 150.000 đồng/m3); ngoài vùng phủ sóng điện thoại; thiếu điện sinh hoạt vào mùa mưa; sóng tàu làm chìm xuồng, sạt lở...
|
Bình luận (0)