Thái Bình khẳng định không có vùng cấm trong xử lý vụ án Đường 'Nhuệ'

25/04/2020 21:42 GMT+7

Chiều 25.4, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 1593) tỉnh Thái Bình đã có thông tin chính thức về việc đấu tranh, xử lý ổ nhóm do vợ chồng Đường “Nhuệ” cầm đầu.

Theo Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ), sinh năm 1971, ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 2007, sau khi đi lao động ở Nga, Đường “Nhuệ” về Thái Bình và gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, mất an ninh trật tự.
Năm 2008, Đường “Nhuệ” kết hôn với Nguyễn Thị Dương, sinh năm 1980, ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Sau khi cưới nhau, vợ chồng Đường “Nhuệ” bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản. Thời gian gần đây, vợ chồng Đường “Nhuệ” có dấu hiệu bất minh về kinh tế như xây nhà cao tầng, mua xe sang, sở hữu nhiều lô đất giá trị; hoạt động từ thiện, đóng phim...
Năm 2015, vợ chồng Đường “Nhuệ” thành lập Công ty TNHH MTV Đường Dương với vốn điều lệ 6 tỉ đồng. Từ khi thành lập, Công ty TNHH MTV Đường Dương chỉ nộp thuế môn bài hàng năm và không phát sinh doanh thu hay khoản thuế nào khác.
Vợ chồng Đường - Dương tham gia đấu giá đất chủ yếu với tư cách cá nhân. Tại một số dự án, dư luận và nhân dân đã phản ứng về dấu hiệu khống chế đấu giá của vợ chồng Đường “Nhuệ”. Điều này cũng được Báo Thanh Niên đăng tải nhiều lần.
Qua xác minh mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã bắt 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Bình. Việc này thể hiện quan điểm nhất quán của tỉnh Thái Bình trong việc xử lý tiêu cực trong hoạt động đấu giá đất.
Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra, xử lý nghiêm, đặc biệt là các cán bộ có liên quan, không bao che, bỏ lọt tội phạm, không oan sai và không có vùng cấm.
Liên quan đến hành vi "đếm xác người chết ăn tiền" của Đường “Nhuệ” mà Thanh Niên đã điều tra và đưa tin trong những ngày qua, Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2017, vợ chồng Đường “Nhuệ” tự đứng ra thành lập “Hiệp hội tang lễ Thái Bình”.
Bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, gây rối, khống chế, Đường “Nhuệ” và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Pháp, đơn vị làm dịch vụ hỏa táng cho Công ty cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long ở Nam Định phải ngừng hoạt động ở Thái Bình. Sau đó, Đường “Nhuệ” cùng đàn em là Ninh Đức Lợi tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình và đứng ra phân chia địa bàn cho các công ty dịch vụ tang lễ ở Thái Bình.
Đường “Nhuệ” bắt các công ty đóng tiền tính trên số ca hỏa táng. Theo điều tra của Thanh Niên là 500.000 đồng/ca. Tiền này được Đường “Nhuệ” thu dưới danh nghĩa đóng phí làm từ thiện. Tuy nhiên, số tiền đó lại do Đường “Nhuệ” hoàn toàn quyết định.
Do sợ các thủ đoạn đe dọa, trả thù của Đường “Nhuệ” nên các công ty tang lễ không dám đứng ra trình báo. Chỉ đến khi Đường "Nhuệ" bị bắt vào ngày 9.4, vụ việc mới dần sáng tỏ. Ngày 22.4, Đường “Nhuệ” và Ninh Đức Lợi bị khởi tố để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình cũng cho biết, Công an tỉnh Thái Bình đang xem xét lại hồ sơ vụ Đường “Nhuệ” và đàn em bị tố cáo chiếm đoạt, phá hoại tài sản tại Công ty TNHH Lâm Quyết ở xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình.
Về quan điểm chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình đã đưa các vụ án của băng nhóm Đường “Nhuệ” vào diện theo dõi, chỉ đạo của ban để chỉ đạo các ngành chức năng làm triệt để, khẩn trương, thận trọng, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình yêu cầu các cơ quan chức năng xét xử nghiêm minh để giải tỏa bức xúc trong nhân dân, không bỏ sót, lọt tội phạm nhưng không làm oan sai và không có bất kỳ vùng cấm nào.
Đến thời điểm hiện tại, Đường "Nhuệ" đã bị khởi tố trong 3 vụ án với tội cố ý gây thương tích và chiếm đoạt tài sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.