Thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi Vũ Hán do nCoV

31/01/2020 07:06 GMT+7

Bộ Y tế đã thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp (viêm phổi Vũ Hán) do nCoV.

Trong đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thành lập Đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, gồm 3 tổ (tổ chuyên môn; tổ thông tin và tổng hợp báo cáo; tổ hậu cần) do phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng, làm Đội trưởng.

Thêm 3 người Việt Nam mắc virus corona gây bệnh viêm phổi Vũ Hán

Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Thành phần của mỗi đội cơ động gồm: 1 lãnh đạo bệnh viện, 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 1 bác sĩ truyền nhiễm, 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm và 1 lái xe.
Mỗi đội cơ động được trang bị xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, ô xy, thuốc, dịch truyền); phương tiện phòng hộ cá nhân; hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo.

Mỗi đội phản ứng nhanh được trang bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, thiết bị sẵn sàng ứng phó với tình  uống khẩn cấp

ẢNH LIÊN CHÂU

Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1 - 2 đội cơ động. Đối với các địa phương, sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động. Kinh phí cho hoạt động của đội cơ động từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Theo Bộ Y tế, hiện tình hình bùng phát dịch nCoV trên thế giới diễn nhanh, nghiêm trọng. Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có nhiều nguy cơ dễ lây nhiễm và bùng phát dịch nCoV.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh dịch SARS và các dịch bệnh khác như Mer Cov; cúm A H1, N1,… tuy nhiên các cán bộ y tế không được chủ quan, cần thận trọng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm và nghi nhiễm dịch nCoV.
Dịch viêm phổi Vũ Hán đã ghi nhận tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ

Đến tối 30.1, theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 7.824 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong (trong đó, 162 trường hợp tử vong tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; 8 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố khác).

So với ngày 29.1, số ca mắc tăng 1.762 trường hợp, tử vong tăng 38 trường hợp. Riêng Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 7.716 trường hợp mắc tại 30/31 tỉnh/thành phố.

Ngoài ra, thế giới ghi nhận 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm nCoV, cụ thể có 108 trường hợp trường hợp bệnh, gồm: Thái Lan 14, Nhật Bản 11, Hồng Kông 10, Singapore 10, Đài Loan 8, Ma Cao 7, Úc 7, Malaysia 7, Mỹ 5, Pháp 5, Việt Nam 5, Đức 4, Hàn Quốc 4, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất 4, Canada 3, Campuchia 1, Nepal 1, Sri Lanka1 và Phần Lan 1.

Trước diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút nCoV lây lan và tăng nhanh, trong nước đã xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV, Bộ Y tế đã có khuyến cáo mới nhất về chống lây nhiễm bệnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.