Trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh nằm giữa xóm Chùa (xã Hanh Cù, H.Thanh Ba, Phú Thọ) treo ngay ngắn bức hình chụp cô bộ đội bế đứa trẻ với dòng chữ “Mẹ gặp con tại mặt trận Cao Bằng, tháng 2.1979”, người phụ nữ đẩy xe lăn ra trước hiên, cười tươi: “ Báo Thanh Niên đã cho tôi cuộc đời mới, thêm đứa con gái, thêm người thân”.
Người phụ nữ ấy là cô bộ đội trong tấm hình: cựu binh Bùi Thị Mùi (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 19 vận tải thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1), năm nay đã 62 tuổi.
|
Làm mẹ 1 ngày đêm
Tháng 11.1976, cô gái Bùi Thị Mùi (ở H.Thanh Ba, Phú Thọ) tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Đầu tháng 2.1979, cô về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1. Sáng 17.2.1979, phía Trung Quốc bất ngờ tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta, trong đó có Cao Bằng. Khoảng 8 giờ sáng, lính Trung Quốc tấn công vào Tiểu đoàn 19 ở xã Nam Tuấn (H.Hòa An). Khi bị bao vây và tổn thất nặng, đơn vị cô Mùi chôn vội chị em hy sinh và chia nhau cắt rừng tìm về tuyến 2. Đến sáng 18.2, mọi người trong đơn vị lạc nhau, cô Mùi đi theo nhóm trinh sát quân khu, bảo vệ đoàn người sơ tán.
Ra mắt sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía bắc 1979Sáng qua (15.12) tại Hà Nội, Trung tâm lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật VN (TP.Hà Nội) tổ chức lễ ra mắt cuốn sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía bắc 1979, của nhà báo, nhà lý luận phê bình Trần Mạnh Thường.
Cuốn sách gồm 115 bức ảnh, ghi lại chân thực về cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới phía bắc, từ ngày 17.2 - 16.3.1979 tại mặt trận Cao Bằng và được chia làm 3 phần: Tội ác của quân xâm lược; Tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân dân VN; Thắng lợi vẻ vang.
Tại buổi lễ, tác giả Trần Mạnh Thường cho biết: Từ ngày 17.2.1979, ông là người duy nhất ở mặt trận Cao Bằng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu và ghi được hàng trăm bức hình trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nêu ý kiến: “Những bức ảnh của nhà báo Trần Mạnh Thường là bằng chứng không thể đánh tráo về sự thật cuộc chiến tranh biên giới phía bắc. Thời gian dần xóa đi những vết tích đau thương của cuộc chiến tranh, nhưng sự thật về cuộc chiến tranh đó sẽ mãi mãi là bài học không chỉ cho dân tộc VN mà còn cho các dân tộc có nguy cơ bị xâm lược. Lịch sử phải được tôn trọng và minh chứng”.
Mai Thanh Hải
|
Liên tục 1 ngày đêm luồn rừng qua xã Bình Dương (Hòa An), phải đi qua những điểm cao lính Trung Quốc vừa đánh chiếm, ai cũng mệt và đói nhưng bấm lưng nhau động viên cứu hai mẹ con. Sáng 24.2.1979, cả nhóm đưa hai mẹ con đến cầu Tài Hồ Sìn (H.Hòa An) và chuyển lên xe tải về bệnh xá tiền phương cách đó khoảng 30 km. Nhóm trưởng trinh sát giao nhiệm vụ cho cô Mùi: “Đồng chí tiếp tục bế em bé theo mẹ, bàn giao cho bệnh xá, xong mới được quay lại đơn vị”.
Khoảnh khắc trung sĩ Bùi Thị Mùi tiếp tục bế em bé, chuẩn bị trèo lên xe tải chở thương binh về tuyến sau ấy đã được nhà báo Trần Mạnh Thường ghi lại.
|
Tấm hình lịch sử
Đầu tháng 2.1979, ông Trần Mạnh Thường (nay 83 tuổi) là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà xuất bản Văn hóa được cử lên công tác Cao Bằng. Rạng sáng 17.2.1979, khi đang ở TT.Nước Hai (H.Hòa An), lính Trung Quốc ào ạt tấn công, ông Thường theo đoàn người cắt rừng về tuyến sau. Sáng 24.2.1979 đến cầu Tài Hồ Sìn, ông Thường thấy một tốp bộ đội đang cứu chữa người phụ nữ bất tỉnh, bên cạnh là cô bộ đội khoác súng AK đang ôm một bé gái. Vội hỏi mới biết hai mẹ con bị lính Trung Quốc bắn, được bộ đội cứu và cáng ra đây suốt 1 ngày đêm. Cô bộ đội bế em bé, đang chờ đưa hai mẹ con lên xe về tuyến sau…
Ông Thường chụp vội tấm hình cô bộ đội bế đứa bé, rồi trèo lên xe chở bộ đội ngược lên tuyến trước ở TX.Cao Bằng (nay là TP.Cao Bằng), không kịp hỏi tên, đơn vị người nữ quân nhân. Mấy ngày sau, ông gửi các hình chiến trường về Hà Nội và Báo Quân đội nhân dân cuối tháng 2.1979 đã đăng tấm hình cô bộ đội bế em bé, với chú thích: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em”…
Mẩu báo đăng hình cô bộ đội bế em bé, được bà Hoàng Thị Minh (ở Cao Bằng, là cô ruột em bé) lưu giữ với tâm nguyện: “Sẽ tìm cho được cô bộ đội đã cứu cháu mình” và anh Bùi Quốc Tuấn (ở Phú Thọ, là em trai cô bộ đội) dán lên cột nhà với niềm tự hào: “Chị gái mình kiên cường chiến đấu đánh giặc, cứu dân!”...
Cuộc tìm kiếm suốt 3 năm
Đầu tháng 2.2014, Báo Thanh Niên triển khai loạt bài nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2014). Biết nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường lưu giữ rất nhiều hình ảnh những ngày đầu của cuộc chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng, chúng tôi tìm đến phỏng vấn. Lần đó, tấm hình cô bộ đội bế em bé có sức hút kỳ lạ khiến chúng tôi tìm hiểu các chi tiết và quyết định ngược lên Cao Bằng tìm thêm thông tin.
Gần 1 tuần tìm kiếm ở các địa danh, gặp gỡ các cựu chiến binh và chính quyền địa phương, chúng tôi mới có thông tin về em bé trong tấm hình. Buổi trưa hôm ấy tìm đến nhà, chị Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1976, cán bộ UBND xã Hoàng Tung, H.Hòa An) nhìn tấm hình và mở tủ lấy ra mẩu báo in hình cô bộ đội bế em bé, nghẹn ngào: “Tôi đấy! Lúc đó mới gần 3 tuổi và gia đình cất giữ mẩu báo, mong gặp lại cô bộ đội!”. Chị Hiền cho biết gia đình tìm kiếm cô bộ đội suốt lâu nay nhưng không có thông tin. “Nếu không có cô ấy, tôi không sống đến hôm nay”.
Tìm thấy em bé, càng khiến chúng tôi nung nấu: “Phải tìm bằng được cô bộ đội” và Ban Biên tập Báo Thanh Niên quyết định triển khai việc tìm kiếm. Bên cạnh tra cứu tài liệu lưu trữ, từ tháng 2.2014, hàng chục chuyến phóng viên tỏa tới các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang... mỗi khi có thông tin về quân nhân nữ đã chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng tháng 2.1979.
Sau gần 2 năm tìm kiếm, với những thông tin ít ỏi có được, ngày 16.2.2016 Thanh Niên đăng tải bài viết Tìm cô bộ đội 37 năm về trước. Đúng 10 ngày sau, thông tin từ bạn đọc cho biết: “Hình cô bộ đội giống một cô ở Phú Thọ, cũng chiến đấu ở Cao Bằng tháng 2.1979”. Theo thông tin bạn đọc cung cấp, sáng 27.2.2016, một nhóm phóng viên Thanh Niên tìm về xã Hanh Cù, H.Thanh Ba, Phú Thọ làm việc với UBND xã nhờ đưa tới nhà nhân vật.
Vừa nhìn khuôn mặt người phụ nữ nhỏ thó, nằm liệt trên giường, cả nhóm đã giật mình bởi khuôn mặt giống y tạc cô bộ đội 37 năm trước. Nhìn bức hình chúng tôi đưa ra, người phụ nữ bật khóc: “Một ngày đêm bế em bé, nó hình như cũng biết nguy hiểm nên không dám khóc. Mỗi khi bé cựa quậy, tôi lại phải ủ vào ngực. Khi nó đói, bẻ vụn lương khô và vốc nước suối cho bé ăn. Khi tới bệnh xá, tôi trao em bé cho y tá. Đứa bé cứ khóc thét và vươn cả 2 tay đòi theo. Tôi cũng muốn ở lại với bé một đêm, nhưng mình là bộ đội, phải quay lại tìm đơn vị chiến đấu”...
Hội ngộ và yêu thương
Ngay sau đó, Ban Biên tập Báo Thanh Niên tổ chức cho chị Hoàng Thị Hiền và gia đình từ Cao Bằng về Phú Thọ gặp cô Mùi. Vừa bước qua cửa, Hiền đã lao tới ôm chặt cô Mùi nằm trên giường, nức nở: “Mẹ ơi!” khiến cô bộ đội cũng giàn giụa nước mắt: “Bé ơi! Con lớn thế này rồi ư?”. Những người chứng kiến cuộc gặp đều bật khóc.
Chắp nối thông tin của chị Hiền và người thân, câu chuyện về cuộc đời các nhân vật trong bức ảnh được rõ thêm. Năm 1979, ông Hoàng Quang Thái và bà Hoàng Thị Phiến công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, gửi 2 con gái cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (nay thuộc xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) trông nom. Giữa tháng 2.1979, bà Phiến nghỉ phép về thăm 2 con gái. Ngày 16.2.1979, bà đạp xe chở bé Hiền về thăm ngoại ở xã Đức Long (Hòa An). Sáng 17.2, lính Trung Quốc tấn công Cao Bằng, bà Phiến chở Hiền về lại nhà ông bà nội đón con gái lớn đi sơ tán. Đến Cầu Khanh (xã Bế Triều, Hòa An), nghe tin xe tăng Trung Quốc đã vào TT.Nước Hai, bà bế con chạy vào xóm Nà Sa lánh nạn và mấy hôm sau luồn rừng chạy xuống Cao Bình (xã Hưng Đạo, TX.Cao Bằng).
Tối 22.2.1979, mẹ con bà Phiến di chuyển qua Hoàng Tung ra ngã ba Bản Tấn, hướng sang xã Bình Dương, dự định đi tắt rừng để về khu vực Tài Hồ Sìn. Trên đường đi, đoàn sơ tán bị lính Trung Quốc xả súng bắn và bà bị thương ở đùi, hai mẹ con ngã xuống rãnh nước ven đường mòn gần Bản Tấn. Suốt đêm đó, bà Phiến bất tỉnh và cô bé Hiền gào khóc bên mẹ. Rạng sáng 23.2.1979, nhóm trinh sát và cô bộ đội Bùi Thị Mùi đi ngang qua phát hiện và cùng đưa hai mẹ con về tuyến sau...
Ngày hội ngộ sau 37 năm, mẹ chị Hiền đã mất từ năm 2012 nên chị xin phép được nhận cô bộ đội Bùi Thị Mùi làm mẹ thứ 2, để được thăm nom, chăm sóc. Nghe vậy, bà Mùi mừng rơi nước mắt, bởi từ tháng 12.1979 xuất ngũ về địa phương và năm 1981 thành vợ chồng với ông Nguyễn Thanh Long, tới giờ hai vợ chồng vẫn chưa có con. Tháng 3.2015, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người gây đa chấn thương, phải xuống Việt Trì (Phú Thọ) và Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) chữa trị mới thoát chết, nhưng phải nằm liệt ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Long lo toan.
4 năm sau ngày hội ngộ, cô bộ đội Bùi Thị Mùi giờ không còn nằm liệt giường, u uất trước những biến cố cuộc sống, bởi cô đã có con gái Hoàng Thị Hiền, con rể, các cháu ngoại và một phần họ hàng trên Cao Bằng. Gặp lại chúng tôi những ngày giữa tháng 12.2020, cô bộ đội nay đã 62 tuổi cứ nắm chặt tay xúc động: “Báo Thanh Niên không chỉ cho tôi đứa con gái, xây ngôi nhà mới, giúp các vật dụng sinh hoạt, tiền trả nợ chữa bệnh, hỗ trợ việc chữa bệnh tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, mà còn giúp tôi có cuộc sống mới, ý nghĩa và yêu thương”...
Và chúng tôi, những người làm Báo Thanh Niên, thấy nhẹ lòng bởi quá trình tác nghiệp, những tin bài của mình mang lại hạnh phúc, có ích cho nhân vật, cho đồng bào mình và thật vui khi câu chuyện ấy thành “cổ tích sau chiến tranh”.
Bình luận (0)