Theo đó, 2 nội dung tố cáo đúng là dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế. TTCP chỉ rõ trong thời gian vận hành Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, từ năm 2007 đến nay, VWS có nhiều biện pháp ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong từng thời điểm đã để xảy ra phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
TTCP cũng cho rằng việc dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển, nhưng phù hợp với điều kiện, đặc điểm của TP 10 năm trước. “Nội dung tố cáo của công dân cho rằng dự án áp dụng công nghệ chôn lấp không phải là công nghệ hiện đại, tiên tiến có một phần là đúng”, TTCP nêu rõ.
TTCP cho biết, quá trình thẩm định dự án, Bộ KH-ĐT đã có văn bản cho rằng năng lực tài chính đối với dự án này của chủ đầu tư còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép, nhưng UBND TP.HCM vẫn kiên quyết lựa chọn và tham mưu trình Thủ tướng khi chưa xử lý đầy đủ các vấn đề mà Bộ KH-ĐT nêu ra. Việc xác định giá xử lý là 16,4 USD/tấn không tuân theo các định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành và hướng dẫn áp dụng là chưa đủ căn cứ pháp lý. “Việc định giá (niêm yết) và ký kết hợp đồng bằng USD và thanh toán theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Vietcombank về bản chất là đô la hóa quan hệ kinh tế trên lãnh thổ VN, vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối”, TTCP nêu rõ.
Về nội dung tố cáo UBND TP.HCM giúp cho dự án xử lý rác Đa Phước sớm được lấp đầy, tạo điều kiện cho Công ty VWS sớm được làm sân golf, TTCP cho rằng “nội dung tố cáo này chưa có cơ sở”.
Về nội dung UBND TP.HCM chi 9 triệu USD cho VWS, TTCP cho biết, UBND TP.HCM báo cáo khoản tiền này là chi phí xử lý rác mà TP trả trước cho nhà đầu tư, đồng thời để làm giảm chi phí xử lý rác lẽ ra là 17,7 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn. Đây không phải là số tiền TP hỗ trợ cho nhà đầu tư. Việc ứng tiền sẽ được thực hiện theo lộ trình tương ứng với kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu vào khu liên hợp, san lấp nền, đê bao chống lũ... mà nhà đầu tư cam kết thực hiện. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc này là “chưa phù hợp quy định luật Ngân sách nhà nước”. Đến nay, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra, nên TTCP chưa kết luận.
Từ các nội dung nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã xảy ra các thiếu sót trong việc tham mưu đề xuất cũng như triển khai thực hiện dự án.
Bình luận (0)