Sau gần 2 năm có kết luận thanh tra và gần 1 năm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, nhưng những vi phạm về quản lý, sử dụng đất tại dự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thanh tra TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về hiện trạng cho thuê mặt bằng và lấn chiếm đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (P.Long Bình, Q.9) sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Ngang nhiên “xẻ thịt” đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (ngày 29.6.2020), trong đó khẳng định 3 nội dung mà Báo Thanh Niên phản ánh là đúng thực trạng.
Ra quyết định cưỡng chế rồi để đó
Thứ nhất là việc cho doanh nghiệp (DN) thuê đất trong dự án để kinh doanh. Theo báo cáo của Ban Quản lý công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (gọi tắt là BQL), trong số 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng (BQL cho thuê), đến nay đã có 10 hợp đồng được thanh lý và bàn giao toàn bộ mặt bằng; 3 hợp đồng đã thanh lý và bàn giao một phần mặt bằng.
Riêng 5 hợp đồng với các DN gồm: Công ty giao thông Sài Gòn - T&T, Công ty Nam An, Công ty TNHH đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành, Công ty cổ phần đầu tư và tiếp vận Mê Kông, Công ty TNHH gỗ Đông Dương, dù hợp đồng đã hết hạn hoặc được BQL thanh lý nhưng DN vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. BQL đã nhiều lần mời làm việc và tống đạt thông báo thông qua đơn vị thừa phát lại nhưng các đơn vị trên không hợp tác, cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian.
Ngoài ra còn một đơn vị là Công ty cổ phần đầu tư giải trí Thỏ Trắng không đồng ý thanh lý hợp đồng và bàn giao mặt bằng vì cho rằng chưa hết hạn hợp đồng. Hiện BQL và UBND Q.9 đã thống nhất lập đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra toàn diện pháp lý việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong khu vực dự án.
Thứ hai là về việc xử lý 11 trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép, từ ngày 7 - 9.7 UBND P.Long Bình đã tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp này và bàn giao mặt bằng cho BQL quản lý, sử dụng. Thanh tra TP.HCM cho biết có 2 đối tượng lạ mặt tới chiếm đất trống trên đường Hàng Tre, BQL đã kiểm tra và phát hiện từ năm 2018, đề nghị UBND P.Long Bình hỗ trợ. Sau đó, UBND P.Long Bình ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp này nhưng đối tượng chiếm đất không chấp hành và vẫn tiếp tục sử dụng trái phép.
Thứ ba là các hộ dân đã nhận bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng, UBND Q.9 cho biết tính đến ngày 28.7, còn 279 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng, diện tích khoảng 15,41 ha, chiếm tỷ lệ 4,1%. Qua rà soát, có 2 hộ dân ở KP.Thái Bình 1 đã tháo dỡ nhà và bàn giao mặt bằng trống, đối với 277 trường hợp còn lại, UBND Q.9 phân thành 3 nhóm. Nhóm A gồm 119 hộ dân đã nhận đủ chính sách bồi thường, không còn cư trú tại khu đất nhưng không bàn giao mặt bằng, hiện đang cho thuê mướn; nhóm B gồm 129 hộ dân đã nhận đủ chính sách bồi thường nhưng còn cư trú tại khu đất và nhóm C gồm 29 hộ dân chưa đồng ý nhận các chính sách bồi thường.
Mặc dù UBND Q.9 đã ban hành 51 quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp đã được xem xét đầy đủ chính sách bồi thường theo quy định, bao gồm 23 hộ thuộc nhóm A, 25 hộ thuộc nhóm B và 2 hộ thuộc nhóm C nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức cưỡng chế.
Thực hiện dứt điểm chỉ đạo của thành phố
Báo cáo cũng nêu hồi tháng 7.2018, Thanh tra TP.HCM đã ban hành kết luận thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất thuộc dự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý đất, mặt bằng; công tác bồi thường, tái định cư và sử dụng kinh phí. Sau đó, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo xử lý tại Thông báo số 654 ngày 27.9.2019 của Văn phòng UBND TP.HCM. Gần 1 năm qua, UBND Q.9 và BQL đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, thậm chí còn phát sinh thêm trường hợp lấn chiếm bởi đối tượng lạ mặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, lãng phí tài nguyên đất mà còn tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại về sau.
Do đó, Thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM giao UBND Q.9 và BQL khẩn trương thực hiện dứt điểm các nội dung chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời, giao UBND Q.9 tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 279 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án và phối hợp với BQL xử lý, thu hồi đất đối với trường hợp đối tượng lạ mặt chiếm đất. Thanh tra cũng kiến nghị giao BQL phối hợp với các sở ngành liên quan xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong khu vực dự án, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ đất không để phát sinh trường hợp lấn chiếm mới.
Kêu gọi đầu tư 2 dự án thành phầnDự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc rộng 395 ha chia thành 4 khu nhằm tái hiện các truyền thuyết, chiến công, sự kiện quan trọng qua các thời kỳ cổ đại, trung đại, hiện đại cùng các công trình văn hóa, cơ sở kinh doanh phục vụ du khách đến tham quan.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số công trình hoàn thành và phục vụ người dân và các hoạt động văn hóa của TP.HCM như Khu tưởng niệm các vua Hùng, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh... cùng một số tuyến đường nội khu như đường Nam, đường Hàng Tre và một số tuyến đường khác đang xây dựng.
Đại diện BQL công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc cho biết các công trình thuộc khu 1, khu 2 và khu 3 là phục vụ công cộng nên được đầu tư bằng vốn ngân sách, riêng khu 4 có 9 dự án thành phần đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó ưu tiên 2 dự án gồm: công viên điện ảnh và khu làng hoa - du lịch suối khoáng.
|
Bình luận (0)