Kể cả doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá tài sản trị giá nhỏ, bọn dàn xếp giá cũng nhúng tay vào kiếm lợi, bởi chúng xem đó là cái nghề để kiếm tiền.
|
>> Thế giới ngầm trên sàn đấu giá
Người bán tài sản bị móc túi
Đầu tháng 3.2014, trong một lần đi xem đấu giá, chúng tôi tình cờ gặp ông H. (ngụ Q.4, là người đã từng tham gia đấu giá ô tô). Ông H. kể, cuối năm 2013 ông tham gia phiên đấu giá bán một ô tô 5 chỗ ngồi do một đơn vị sự nghiệp nằm trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM) tổ chức. Giá khởi điểm của chiếc xe được đưa ra là 120 triệu đồng. Sau khi làm hồ sơ thủ tục tham gia, ông H. đặt cọc 12 triệu đồng (theo quy định đóng 10% tổng số tiền của giá khởi điểm tài sản bán đấu giá). Tuy nhiên, trước phiên đấu giá khoảng 30 phút, ông H. bị một nhóm người lạ yêu cầu theo họ ra quán cà phê để thương lượng. Tại đây, nhóm người này cho biết chiếc xe trên đã được định giá theo thị trường khoảng 180 - 200 triệu đồng và người nào có nhu cầu mua xe phải đưa ít nhất 60 triệu đồng cho chúng và những người tham gia đấu giá khác. Đổi lại, chúng có nhiệm vụ dàn xếp giá để người mua xe với giá 120 triệu đồng. “Tôi là người có nhu cầu thật sự, chứ không phải đến đây tham gia đấu giá để được chia tiền chênh lệch từ việc dàn xếp giá. Không đồng tình với kiểu làm ăn phi pháp này, tôi đã xin tự rút tiền cọc, không tham gia đấu giá nữa. Thủ đoạn của nhóm người kia đã gây thiệt hại không nhỏ cho chủ tài sản bán đấu giá”, ông H. bức xúc.
|
Chưa hết, băng nhóm dàn xếp giá còn thò tay vào các phiên đấu giá của một số trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, hội đồng bán đấu giá tài sản của nhà nước. Nhiều người vẫn chưa quên phiên đấu giá căn nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (Q.5) với giá khởi điểm 18,88 tỉ đồng, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM hồi năm 2005. Phiên đấu giá này có hàng chục người tham gia. Theo thứ tự, sau khi người xếp số 6 trả giá 19 tỉ đồng thì bất ngờ người số 7 hét giá 32,16 tỉ đồng, khiến những người còn lại đành bỏ cuộc. Đúng như dự đoán, sau khi phiên đấu giá kết thúc, người hét giá 32,16 tỉ đồng đã từ chối mua tài sản, chịu mất tiền cọc 190 triệu đồng. Theo quy định, khi người trúng đấu giá từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề (trường hợp giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm). Nghĩa là người xếp số 6 đã mua được căn nhà trên với giá 19 tỉ đồng. Nghi vấn 2 người thứ 6 và 7 câu kết nhau dìm giá mua căn nhà khiến nhiều người tham gia đấu giá hôm đó bức xúc gọi điện thoại phản ánh tới báo chí… Sau đó, báo chí vào cuộc, buộc ban tổ chức phải hủy bỏ kết quả phiên đấu giá này. “Quy định về đấu giá tài sản còn nhiều lỗ hổng khiến kẻ xấu dễ dàng lợi dụng dàn xếp được giá”, ông Th., một người từng tham gia đấu giá tài sản (đã nghỉ hưu), bật mí và cho hay: “Cuối năm 2013, vụ thanh lý hàng chục héc ta cây cao su ở một tỉnh Tây nguyên đã đem xuống tận TP.HCM bán đấu giá. Nghe đâu tiền chênh lệch của phiên đấu giá này lên đến 10 tỉ đồng. Mục đích của người bán tài sản muốn bán cho một người nào đó, nhưng nếu tổ chức ở Tây nguyên khi đăng báo nhiều người biết rõ về lô hàng đến tham gia, còn tổ chức ở TP.HCM nhiều người không biết rõ lô hàng nên không dám tham gia và mục đích của người bán dễ dàng thực hiện được…”.
Cũng theo một số người từng tham gia đấu giá, những mánh khóe, tiêu cực trong đấu giá tài sản đã diễn ra suốt thời gian dài và băng nhóm chuyên dàn xếp giá do Bảy “mập” cầm đầu cưỡng đoạt của khách tham gia đấu giá 1 tỉ đồng, bị Công an TP.HCM triệt phá ngày 28.2.2014, là một minh chứng mới nhất.
Thuê xe ôm đấu giá
Do quy định trong đấu giá tài sản vẫn còn lỗ hổng nên các băng nhóm dàn xếp giá đã lợi dụng tung hoành. Một chủ doanh nghiệp chuyên tham gia đấu giá ở TP.HCM dễ dàng kể ra hàng loạt tên tuổi sinh sống bằng nghề “chân gỗ” (tham gia đấu giá với mục đích để được chia phần tiền chênh lệch sau khi dàn xếp giá - PV). Tiền chênh lệch này trong giới “chân gỗ” thường gọi là tiền “làng”. Nổi tiếng là vợ chồng D. “báo” (ngụ Q.Bình Thạnh), thành lập hàng loạt công ty nhưng không hoạt động kinh doanh mà chỉ để làm bình phong tham gia đấu giá hưởng tiền “làng”. Đa số các phiên đấu giá được tổ chức ở TP.HCM, công ty của vợ chồng D. đều tham gia. Điều khiến các “chân gỗ” khác bức xúc là ở mỗi phiên đấu giá, vợ chồng D. tham lam đưa nhiều công ty vào để được chia nhiều phần. Hằng ngày, D. theo dõi qua báo chí để nắm các phiên đấu giá tổ chức ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác, rồi thuê xe ôm đứng tên đại diện công ty đăng ký tham gia đấu giá với tiền công 100.000 - 200.000 đồng/lần. “Mỗi tháng họ tham gia từ 15 - 20 phiên đấu giá, mỗi phiên đấu giá được ít nhất từ 5 - 20 triệu đồng, tùy trị giá tài sản đấu giá. Những người mà vợ chồng D. thuê đến chỉ có nhiệm vụ có mặt để điểm danh là xong”, ông H., chuyên mua tài sản đấu giá, phàn nàn.
>> Thế giới ngầm trên sàn đấu giá
Đàm Huy
Bình luận (0)