Bộ Y tế cho biết, sáng nay, 10.8, có thêm gần 500.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZenaca được tiếp nhận từ nguồn COVAX facility.
Như vậy, tổng số vắc xin Covid-19 Việt Nam được hỗ trợ qua cơ chế COVAX hiện đã hơn 9,1 triệu liều (hơn 5 triệu liều vắc Moderna và hơn 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca).
Sau 5 tháng (từ 3.8) triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19, Việt Nam đã tiêm gần 10 triệu liều, trong đó, hơn 1 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.
TP.HCM đang là địa phương có tốc độ tiêm vắc xin nhanh nhất cả nước, đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 4,97 triệu liều.
Trong nước, Bộ Y tế đã cấp phép khẩn cấp cho 6 loại vắc xin Covid-19 cho phòng chống dịch gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Moderna, Pfizer/BioNTech, Sinopharm và Janssen.
Trong đó, AstraZeneca là vắc xin Covid-19 đầu tiên được Việt Nam cấp phép sử dụng (tháng 2.2021), cũng là vắc xin đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với 11,5 triệu liều từ các nguồn do Công ty VNVC nhập khẩu, COVAX hỗ trợ và một số nước trao tặng.
Ngoài ra, Việt Nam có 12.000 liều vắc xin Sputnik V, 746.000 liều vắc xin Pfizer, hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna và 1,5 triệu liều vắc xin Sinopharm. Tổng số khoảng 19 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được Việt Nam tiếp nhận.
COVAX Facility là cơ chế "tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19”. Cơ chế này được thiết lập nhằm đảm bảo cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19.
Trong cơ chế “COVAX Facility”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) GAVI (Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), CEPI (Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.
COVAX Facility hướng đến mục tiêu đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế được tiếp cận vắc xin với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
|
|
Bình luận (0)