Thêm một khu 'đất vàng' bị tư nhân thâu tóm

03/04/2021 05:58 GMT+7

Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án liên quan đến dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.

Đây là một trong 6 dự án đất công quy mô lớn tại Khánh Hòa giao cho tư nhân nhưng không qua đấu thầu, đấu giá khiến ngân sách nhà nước thất thu không nhỏ.

“Đất vàng” bán giá rẻ bèo

Ngày 2.4, nguồn tin từ Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đại tá Đặng Văn Mạnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa, đã ký quyết định khởi tố vụ án liên quan đến các sai phạm về quản lý đất tại dự án BT (xây dựng - chuyển giao) Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Đây là một trong 6 dự án BT có nhiều sai phạm tại Khánh Hòa, đã được thanh tra kết luận cách đây không lâu. Theo hồ sơ, ngày 30.6.2015, ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký chỉ định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trên diện tích đất hơn 7.400 m2 tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP.Nha Trang. Tháng 6.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức giao đất cho Công ty Thanh Yến với 4.440 m2 đất ở và gần 2.950 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, thời gian thuê đất 50 năm để doanh nghiệp này xây dựng dự án trung tâm thương mại và căn hộ Nha Trang Center 2 (sau này đổi tên thương mại là dự án Gold Coast).
Sau khi ký giấy chứng nhận đầu tư, ngày 21.7.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định phê duyệt giá đất khu vực xây dựng dự án Gold Coast. Theo đó, khung giá đất ở gần 22,5 triệu đồng/m2; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có giá hơn 7,8 triệu đồng/m2. Với khung giá đất trên, Công ty CP Thanh Yến phải trả khoảng 123 tỉ đồng để sử dụng gần 7.400 m2 cho vị trí “đất vàng” nói trên. Số tiền 123 tỉ đồng này được sử dụng để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) theo hình thức BT, tại Hợp đồng số 01/2015/HĐBT ký ngày 22.1.2015. Từ vị trí trung tâm thành phố, Trường Chính trị Khánh Hòa bị đẩy ra ngoại ô, nhường chỗ cho cao ốc gần 1.000 căn hộ.
Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá đất khu vực dự án Gold Coast được xem là “đất vàng” bởi nằm ở vị trí 2 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng, và chỉ cách bãi biển Nha Trang vài chục mét. Trong khi đó, vào thời điểm định giá đất cho dự án này, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặt tiền (vị trí 1) trục đường lân cận như Pasteur - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương được thị trường rao bán trên 200 triệu đồng/m2. Dư luận có cơ sở hoài nghi dự án đã được “bán rẻ” để doanh nghiệp hưởng lợi.

Cao ốc “đẩy” trường chính trị ra ngoại ô

Sau khi được giao đất, Công ty CP Thanh Yến đã đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư - Gold Coast.
Theo giấy chứng nhận đầu tư ký vào tháng 6.2015, dự án được phép đầu tư trung tâm thương mại dịch vụ từ tầng 1 - 13 với diện tích xây dựng trên 60.200 m2; khối tháp từ tầng 14 - 41 với diện tích sàn trên 70.200 m2, gồm 920 căn hộ khách sạn. Chỉ 5 tháng sau đó, dự án này lại được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất điều chỉnh cho phép nâng lên đến 44 tầng. Tuy nhiên, đến tháng 2.2016, sau khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải tuân thủ quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt có chiều cao công trình tối đa là 40 tầng, nên UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản thống nhất giảm số tầng của dự án xuống còn 40 tầng nhưng số căn hộ không đổi.
Điều kỳ lạ nhất tại dự án này là dù hoán đổi cả khu “đất vàng” tại trung tâm thành phố, nhưng tiền không đủ xây trường và ký túc xá mới cho Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa. Trong khi đó, vị trí xây trường mới nằm ở ngoại ô cách trung tâm TP.Nha Trang gần chục ki lô mét. Vì thế, để hoàn thiện ký túc xá cho Trường chính trị tỉnh, Khánh Hòa tiếp tục hoán đổi thêm một khu “đất vàng” ven biển khác để xây. Tại Văn bản số 3834 ngày 15.6.2011, Bộ KH-ĐT cho rằng việc thực hiện theo hình thức BT là phù hợp nhưng không thống nhất về việc chỉ định nhà đầu tư.
Theo quy định, việc chỉ định nhà đầu tư được áp dụng khi có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án; nhà đầu tư đề xuất mà không có nhà đầu tư khác tham gia; dự án thực hiện đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng do Thủ tướng quyết định.
“Danh mục dự án của UBND tỉnh Khánh Hòa không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành”, văn bản của Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Liên quan dự án này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã từng chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, làm rõ việc thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là UBND này đã đổi gần 7.400 m2, nhưng chỉ có thể xây hoàn thiện và đưa vào sử dụng Trường chính trị mà không thể xây được thêm một khu ký túc xá cho trường. Trong khi đó, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặt tiền ở các vị trí tương tự cao hơn rất nhiều.
Nhận xét vấn đề này, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc bán “đất vàng” tại trung tâm thành phố mà không đủ xây trường và ký túc xá của trường là hết sức phi lý. “Đất đô thị ở vị trí số 1, nó rành rành ra đó mà họ cho là đất phi nông nghiệp là điều không còn gì để nói. Tôi không bình luận nhiều về việc dự án bị khởi tố, bởi cái gì tới sẽ tới và sai phải được xử lý”, ông Chi nói.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận định một số lãnh đạo và nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.