Thoát khỏi thủ tục trì trệ: Tháo gỡ ách tắc hạ tầng

08/10/2019 06:10 GMT+7

Không chỉ tập trung tháo gỡ ách tắc thủ tục về đất đai, xây dựng, TP.HCM cũng đang thực hiện giải pháp để các dự án hạ tầng đô thị sớm thoát khỏi sự đình trệ.

Trong năm 2019, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn TP khoảng 31.002 tỉ đồng nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Trong đó, phân bổ chi tiết là hơn 24.038 tỉ đồng đối với các dự án đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; còn lại hơn 6.963 tỉ sẽ phân bổ sau khi đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng 2019 ở mức “báo động”, chỉ đạt 36%. Tác động tiêu cực phần nào thể hiện qua chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP, chỉ tăng 7,81%, đạt mức thấp hơn so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,89%).

Hàng loạt công trình đình trệ

Đề xuất tăng thêm nguồn lực

Hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 18% trong tổng thu ngân sách hằng năm (năm 2018 thu khoảng 380.000 tỉ đồng, thì TP chỉ được giữ lại khoảng hơn 68.000 tỉ đồng để chi thường xuyên, chi đầu tư công về y tế, giáo dục, hạ tầng…).
Trong một hội nghị mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị T.Ư xem xét điều tiết cho TP thêm 2% trong tổng thu ngân sách hằng năm, và số tiền này để TP tập trung đầu tư hạ tầng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần quan trọng không chỉ giúp TP.HCM đột phá, phát triển bền vững, mà còn thúc đẩy các tỉnh lân cận phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong số 24 quận, huyện của TP.HCM, Q.Bình Tân là địa bàn có tốc độ tăng dân số cơ học cao. Là cửa ngõ phía tây nam TP, thời điểm thành lập vào năm 2003 chỉ có khoảng 265.000 người, nay Q.Bình Tân đã có đến khoảng 760.000 người (tăng gần nửa triệu người). Tuy nhiên, nhiều dự án “mắc kẹt” khiến áp lực hạ tầng trên địa bàn quận ngày càng thêm căng thẳng.
Điển hình là dự án xây dựng cầu Bưng (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân). Dự án cầu Bưng dài 560 m, có tổng mức đầu tư hơn 514 tỉ đồng từ nguồn đầu tư công (bắc qua kênh Tham Lương, được khởi công vào tháng 7.2017), dự kiến hoàn thành tháng 7.2019, nhưng đến nay “vẫn chưa biết lúc nào xong”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực cầu Bưng là hướng lưu thông chủ lực từ QL1 về đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), Trường Chinh, Cộng Hòa (Q.Tân Bình) với lượng phương tiện rất đông. Trong khi đó, công trường thi công dở dang, rào chắn lô cốt khiến khu vực này trở thành điểm nghẽn giao thông. Theo UBND Q.Bình Tân, dự án chậm tiến độ khoảng 1 năm nay, do vướng giải tỏa mặt bằng 2 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Bình (thuộc địa bàn Q.Tân Phú) và hiện cũng chưa biết đến bao giờ giải tỏa xong.
Tương tự, với dân số vượt ngưỡng 700.000 người, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Q.Gò Vấp tính toán mở rộng đường D3 rộng 25 m nối liền đường Quang Trung với Phan Văn Trị, nhằm giảm áp lực giao thông cho các khu vực trọng điểm, như: ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Quang Trung, các trục đường Nguyễn Oanh, Thống Nhất… Tuy nhiên, sau 5 năm và chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, công trình vẫn chưa thể khởi công.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân cũng vướng giải phóng mặt bằng “bởi mức dự toán kinh phí ban đầu, do phải trải qua nhiều thủ tục kéo dài thời gian nên đến khi được duyệt, giá đền bù không còn phù hợp thực tế”.
Trong khi đó, đường Lương Định Của chỉ dài khoảng 2,3 km, nối từ Mai Chí Thọ đến Trần Não, nhưng là tuyến giao thông huyết mạch của Q.2. Dự án mở rộng đường này từ 2 làn xe lên 6 làn xe với kinh phí ban đầu hơn 826 tỉ đồng, do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 7.2015, kế hoạch hoàn thành vào giữa năm 2017, nhưng đến nay vẫn “nham nhở”.
“Giá đền bù trước đây duyệt cao nhất khoảng 43 triệu đồng/m2, nhưng sau đó giá thị trường bất ngờ tăng vọt lên hàng trăm triệu đồng/m2 nên còn hàng chục hộ dân chưa nhận bồi thường. Vấn đề khiếu nại ở Thủ Thiêm còn chưa giải quyết, nên giờ thực hiện cưỡng chế thì nói thật là không dám”, một cán bộ Q.2 chia sẻ về lý do dự án trên chậm tiến độ.
Tại Q.9, dự án cầu Nam Lý với tổng đầu tư hơn 857 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 10.2016, đến nay mới thi công đạt hơn 37% khối lượng, do vướng mặt bằng của 67 hộ, trên địa bàn Q.2 và Q.9, mặc dù kiểm kê đền bù giải tỏa thực hiện từ 2012. Ngoài ra, dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp cũng lâm cảnh ngộ tương tự…

Cần thí điểm cơ chế đặc thù

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ách tắc thủ tục giải phóng mặt bằng, theo nhiều lãnh đạo cấp quận, cũng là một vướng mắc rất lớn cần sớm tháo gỡ. Một lãnh đạo cấp quận cho rằng đối với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư không phải không muốn hoàn thành đúng tiến độ, mà quy định hiện nay không thể làm được.
“Đền bù giá thấp trong khi giá thị trường lại quá cao nên không thể giải phóng được mặt bằng”, vị này nói. Trong khi đó, hiện TP còn lại hơn 822 dự án với diện tích thu hồi 6.937 ha chưa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhu cầu thực hiện các dự án cần thu hồi đất đến hết năm 2020 là 2.275 dự án, diện tích thu hồi 15.474 ha.
Văn phòng UBND TP thừa nhận, thời gian qua công tác bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng qua nhiều khâu thủ tục nên hầu hết các dự án triển khai rất chậm. Theo Văn phòng UBND TP, để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án có thu hồi đất, UBND TP đề xuất Thủ tướng cho cơ chế đặc thù với khung thời gian tối đa là 240 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất để hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Thúc đẩy giải ngân

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, với dân số khoảng 13 triệu người, TP.HCM được xem là “siêu đô thị”, và mỗi năm dân số cơ học tăng thêm khoảng 200.000 người. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng còn khá khiêm tốn. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giai đoạn 2015 - 2020 cần khoảng 320.000 tỉ đồng, nhưng thực tế mỗi năm chỉ có khoảng 10.000 tỉ đồng để đầu tư cầu, đường… (trong đó khoảng 5.000 tỉ dành cho thi công công trình, khoảng 5.000 tỉ còn lại dành cho giải phóng mặt bằng). Trả lời Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết bình quân tỷ lệ hạ tầng TP tăng khoảng 3%/năm, trong khi phương tiện tăng khoảng 10%.
Liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để các dự án hạ tầng “chạy” đúng tiến độ, tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP với Thường trực Quận ủy, Huyện ủy và Thường trực UBND quận, huyện tháng 9.2019 (vào ngày 1.10), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã cam kết với Thủ tướng hết năm 2019 sẽ giải ngân hơn 90%. Chính vì vậy, ông Nhân yêu cầu TP rà soát lại, tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ, nếu đơn vị nào không thực hiện được thì chuyển cho đơn vị khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.