Thói hư danh đang khuyến khích sự gian dối

23/07/2018 08:51 GMT+7

Từ câu chuyện gian lận của Hà Giang, PGS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục VN, cho rằng đó không phải là vấn đề của ngành giáo dục mà nó phản ánh tình trạng xã hội.

Giả dối đang tồn tại ở nhiều tầng bậc, ngóc ngách của cuộc sống. Ông Rỹ cho rằng chính thói hư danh, trọng bằng cấp, chạy theo thành tích của nhiều người Việt đang khuyến khích người ta gian lận. Ông nhận xét ở nước ngoài, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, việc tuyển chọn bao giờ cũng phải qua khảo sát, phỏng vấn nhờ đó người ta chọn được người thực tài.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học giáo dục tâm lý Hà Nội, đánh giá nhiều người đang lợi dụng thói hư danh, chạy theo hình thức để tư lợi riêng, khiến xã hội nảy sinh sự gian dối. “Con cái năng lực kém nhưng vẫn cố chạy bằng cấp, chạy điểm số để được vào chỗ tốt, cho đủ quy trình. Người ta dùng tiền để chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích để thỏa mãn thói hư danh rồi dùng cái danh ấy để thu nhập trở lại”, ông Lâm chỉ rõ.
TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thì nhận xét chính vì sự tham danh vọng, sự sĩ diện và hành vi gian lận của nhiều người lớn trong xã hội đang trở thành tấm gương xấu cho những đứa trẻ. “Chúng ta dạy trẻ những bài học về tính trung thực nhưng trẻ lại không thể áp dụng được trong cuộc sống vì khi ra ngoài xã hội, chúng chỉ quan sát được sự giả dối, thói hư danh từ những người lớn, từ bạn bè. Dần dần, chúng bình thường hóa hành vi gian dối”, TS Nam nhấn mạnh và lo ngại: “Thậm chí, người ta sẵn sàng làm thế nào cũng được miễn là đạt được thành tích. Những người như vậy có khi còn được khen là thích nghi tốt, có kỹ năng sống”.
Đề cập tới giải pháp, ông Nam cho rằng phải bắt đầu từ giáo dục, song không chỉ là giáo dục trong nhà trường mà phải có sự nhất quán. “Các cha mẹ phải ý thức được rằng, tôi dạy con tôi trung thực không chỉ là cho tôi mà còn là tạo ra môi trường trung thực để thế hệ trẻ tôn trọng giá trị đó. Ở trong nhà trường, trong xã hội, sự trung thực cũng cần tôn vinh chứ không thể nói rằng ra đường trung thực là dại”, ông Nam kiến nghị.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định điều quan trọng nhất là phải hướng xã hội đến những giá trị tốt đẹp về sự trung thực, loại bỏ thói hư danh, bệnh thành tích và để làm điều này, một mình ngành giáo dục thì không thể giải quyết được. Vì thế, cần xây dựng những quy định nghiêm minh để thói hư danh, bệnh giả dối không còn cơ hội xuất hiện. “Xã hội chúng ta vẫn là một xã hội một bồ cái lý không bằng một tí cái tình nên vẫn du di, thể tất cho nhau. Phải làm thế nào để người ta muốn làm sai cũng không được và đã làm sai thì phải bị xử lý nghiêm minh”, ông Lâm quả quyết.
Ý kiến
Chúng ta có thể thấy rất nhiều biểu hiện của tính háo danh. Chẳng hạn, có những cá nhân hay tự phô trương về bằng cấp, vị trí của mình. Có những tấm danh thiếp thậm chí viết đầy các chức tước. Chắc chắn đặc tính háo danh thì dân tộc nào cũng có người có. Đó cũng là một thói tật phổ biến toàn nhân loại. Chỉ có ở từng cộng đồng một, người ta lại có ý thức được về nó, hay tìm cách để loại bỏ nó đi, thì không giống nhau.
Nhà nghiên cứu văn bản học Lại Nguyên Ân
Người VN hiện tại quá nhiều người có tính háo danh. Háo danh là gì, là mê danh hão, mê cái danh không có thật. Không có thật thì mới phải hão. Kỳ thi vừa rồi cho thấy, số người gian dối, háo danh hão quá nhiều. Như thế thì ta phải giáo dục từ người trẻ, cho họ biết thế nào là giá trị thật.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách
Trinh Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.