Thôi lẫn lộn bác sĩ - dược sĩ!

25/10/2007 22:36 GMT+7

Lâu nay, tình trạng người dân trong nước tự mua thuốc, tự điều trị, cùng với hiện tượng "dược sĩ làm bác sĩ", "bác sĩ làm dược sĩ" diễn ra rất phổ biến. Việc thực hiện nhà thuốc GPP sẽ chấm dứt tình trạng nói trên.

Dược sĩ không làm bác sĩ

Chiều 25.10, tại TP.HCM, Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đã làm việc cùng Sở Y tế và các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm của các tỉnh thành về việc triển khai thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành nhà thuốc tốt - Good Pharmacy Practice). Đây là mô hình các nước tiên tiến đã thực hiện từ lâu.

Theo đó, nhà thuốc đạt chuẩn GPP, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, còn phải đảm bảo các yếu tố về con người - bắt buộc dược sĩ phải túc trực ở nhà thuốc; phải có vị trí riêng để dược sĩ tư vấn, hướng dẫn việc sử dụng thuốc cho người bệnh; chỉ bán thuốc khi người bệnh có toa của bác sĩ (toa thuốc phải hợp lệ)... Điều đó có nghĩa, khi thực hiện nhà thuốc GPP sẽ chấm dứt tình trạng phổ biến lâu nay: người đứng bán thuốc tự hỏi bệnh, kê toa, rồi bán thuốc cho người bệnh; đồng thời cũng sẽ chấm dứt tình trạng dược sĩ cho thuê bằng rồi phó thác việc mua bán thuốc cho người thuê mướn mặt bằng.

Công ty Phano - đơn vị thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP đầu tiên tại TP.HCM (ảnh: Khánh Vy)

Theo báo cáo tại buổi làm việc, đến nay cả nước có 4 nhà thuốc đạt chuẩn GPP, gồm hai nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc V-Phano của Công ty dược phẩm Phano tại TP.HCM và hai nhà thuốc tại Hà Nội. Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện đã có nhiều đơn vị đăng ký tham gia thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP, 2 sở y tế này đang tiến hành kiểm tra, thẩm định để cấp phép. Việc triển khai nhà thuốc GPP sẽ ráo riết từ bây giờ để đến năm 2010, tất cả các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP mới được phép mua bán thuốc chữa bệnh.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế (TP.HCM) cho rằng: "Bước đầu thực hiện GPP sẽ có những khó khăn, nhưng phải tiến tới thực hiện văn minh, an toàn trong kê toa, bán thuốc, nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người bệnh. Các bệnh viện, các công ty dược nhà nước cần đi đầu trong thực hiện nhà thuốc GPP".

Bác sĩ không làm dược sĩ

Lo lắng lớn nhất của các đơn vị kinh doanh dược phẩm khi thực hiện nhà thuốc GPP đó là: thói quen của người dân khi có bệnh là tự mua thuốc điều trị, "tấp" vào đâu cũng có thể mua được rất nhiều thuốc mà không cần toa của bác sĩ. Vì thế một bộ phận lớn người bệnh sẽ "khó chịu" khi phải bước vào nhà thuốc cửa có kiếng, máy lạnh, và phải có toa bác sĩ! Chính vì vậy, theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần thực hiện đồng bộ, triệt để; nếu vẫn tồn tại hai dạng nhà thuốc đạt chuẩn GPP và không đạt GPP, thì nhà thuốc GPP sẽ "chết"! Mà để đầu tư một nhà thuốc GPP tốn kém rất nhiều (lên đến cả tỉ đồng/nhà thuốc). Giải tỏa lo lắng trên, tiến sĩ Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế nói: "Bằng mọi giá chúng ta phải thực hiện nhà thuốc GPP. Bất kỳ một thị trường thuốc nào, khi quản lý được việc phân phối thuốc lẻ, thì sẽ điều tiết được việc sản xuất. Việc người bệnh tự mua thuốc, tự điều trị bằng mọi giá phải chấm dứt".

Một lo lắng rất thực tế nữa đối với những nhà kinh doanh khi thực hiện nhà thuốc GPP đó là: lâu nay mặc dù quy định của ngành y tế là cấm bác sĩ phòng mạch vừa khám bệnh, kê toa vừa bán thuốc, nhưng thực tế hơn 99% bác sĩ vừa kê toa vừa bán thuốc tại phòng mạch. Điều đó sẽ khiến nhà thuốc không có toa để bán! Tiến sĩ Cao Minh Quang nói ngay: "Để thực hiện nhà thuốc GPP, Bộ Y tế sẽ cải thiện đồng bộ cả lĩnh vực bác sĩ kê toa. Chúng tôi sẽ làm việc với Vụ Điều trị để chấn chỉnh việc bác sĩ vừa kê toa vừa bán thuốc tại các phòng mạch, tình trạng bác sĩ kê đơn móc ngoặc với nhà thuốc, kê đơn không đọc được... Chúng ta sẽ chấm dứt thói quen đụng gì bán nấy, chấm dứt những tồn tại không có lợi cho người bệnh lâu nay, mang lại an toàn cho người sử dụng thuốc".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.