Thu hồi 100% nhà công vụ hết thời gian sử dụng trong năm 2020

22/04/2020 14:31 GMT+7

Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định là một trong những chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí được Chính phủ đề ra.

Giảm 10% chi thường xuyên

Sáng 22.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.
Là người trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã đề ra 6 nhóm chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.
Cụ thể, Chính phủ sẽ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ cũng quyết tâm cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Thực hiện đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu và 15% tổng giá trị gói thầu. Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP.
Nhóm mục tiêu thứ 3 mà Chính phủ đặt ra là chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.
Bên cạnh đó, đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng 42%. Đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%. Giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 6,5%.
Các doanh nghiệp nhà nước đăng ký với cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý từ 5% trở lên so với kế hoạch, trong đó, tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
Cuối cùng, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.

Đề nghị giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm trong công tác nước ngoài

Trình bày cáo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Thường trực Ủy ban này cơ bản nhất trí với các mục tiêu, giải pháp mà Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Namthế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, Ủy ban này kiến nghị cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... Tập trung ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo các nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban này cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý theo kết quả đầu ra đối với một số lĩnh vực; ban hành đầy đủ các văn bản quy định, các hướng dẫn để thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.