Hà Nội chống dịch ra sao sau 3 đợt giãn cách?
Sau 3 đợt giãn cách kéo dài từ 24.7 đến nay (43 ngày), Hà Nội về cơ bản đã giữ vững “trận địa”, kìm chế số ca mắc Covid-19 ở mức thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác. Theo thống kê, Hà Nội đứng thứ 12 trong số các địa phương trên cả nước về số ca mắc trong đợt 4 (gần 3.500 ca), dù đứng thứ 2 về quy mô dân số, chỉ sau TP.HCM.
Việc lựa chọn áp dụng ngay Chỉ thị 16/CT-TTg từ 24.7, thời điểm Hà Nội mới chỉ có hơn 650 ca dương tính Covid-19, đã mang lại một số kết quả. Sau 44 ngày giãn cách, số ca Covid-19 mới của Hà Nội chỉ tăng thêm khoảng 2.800 ca, trung bình mỗi ngày 60 ca mắc mới.
Dù vậy, có nhiều điểm cần lưu ý sau gần 1,5 tháng Hà Nội giãn cách:
Thứ nhất, TP vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh. Các F0 lẩn khuất, rải rác cộng đồng khiến tại Hà Nội vẫn hình thành các ổ dịch mới, phức tạp như Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), chợ Ngọc Hà (Q.Ba Đình), Văn Chương - Văn Miếu (Q.Đống Đa)…
Thứ hai, việc “chặt ngoài lỏng trong” khiến các quyết tâm bên trên khi đi xuống bên dưới có nhiều chệch choạc, từ việc người dân ra đường vẫn còn đông, bỏ trống chốt kiểm dịch tại một số địa bàn, đến tiêu cực trong tiêm vắc xin…
Thứ ba, các biện pháp kiểm soát vẫn đang được thực hiện thủ công, từ cấp cho đến kiểm soát giấy đi đường đều qua giấy tờ, mà chưa áp dụng các biện pháp công nghệ, như có 1 phần mềm chung hay khai báo mã QR Code để quét.
Thứ tư, việc phong toả kéo dài đã bắt đầu để lại những tác động tiêu cực cho “sức khoẻ” của nền kinh tế thủ đô. Thực tế, sau gần 45 ngày giãn cách, phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều đã “đóng băng”. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Hà Nội trong tháng 8 đều giảm từ công nghiệp, xuất nhập khẩu, bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu vùng, doanh nghiệp thành lập mới…
Cấp giấy đi đường vẫn thủ công
Từ sáng 6.9, Hà Nội sẽ áp dụng giãn cách theo 3 vùng (vùng 1 nội đô, nguy cơ rất cao áp Chỉ thị 16; vùng 2, 3 áp Chỉ thị 15+). Sau Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, từ đêm qua, 3.9, Hà Nội bắt đầu cấp tập triển khai các giải pháp: lập 39 chốt cứng giữa các vùng, quy trình đăng ký giấy đi đường mới, phân phối hàng hoá…
Mục tiêu chính sau 15 ngày thử nghiệm chia giãn cách theo 3 vùng là “ai ở vùng nào ở yên vùng đó”, khôi phục một phần sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp tại “vùng xanh”, “vùng cam”.
Tuy nhiên, việc chia vùng giãn cách và cấp giấy đi đường kiểu mới (thay vì UBND phường xã phê duyệt danh sách thì tới đây công an sẽ chịu trách nhiệm) đang gây ra nhiều rối loạn cho cả người dân và các doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 8.8, sau khi triển khai cấp Giấy đi đường theo quy định mới, người dân phải xếp hàng dài ở phường, cấp phường xã quá tải, các chốt kiểm soát thì ùn tắc. Chỉ sau 2 ngày, tới 10.8, UBND TP.Hà Nội đã phải ra văn bản hoả tốc bỏ quy định Giấy đi đường phải kèm theo lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ… và chỉ tiến hành hậu kiểm.
Theo quy định cấp giấy đi đường có QR Code mới, tổ chức, doanh nghiệp, cần đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực. Sau đó, cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ cảnh sát khu vực và nhập đăng ký của tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống gửi mail xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ gửi mail danh sách cán bộ, công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định.
Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách, sau đó gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp phát cho cán bộ, công nhân viên. Với người dân, quy trình cấp giấy đi đường cũng tương tự.
Quy trình này có thể khiến các doanh nghiệp nào trên địa bàn rất lo lắng. Với hàng nghìn đăng ký gửi cho cảnh sát khu vực tại mỗi phường, nguy cơ quá tải hoàn toàn có thể xảy ra và cần lường trước để có các giải pháp xử lý.
Trong khi đó, cùng triển khai giãn cách theo 3 vùng như Hà Nội, song những hướng dẫn của TP.Đà Nẵng lại thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp. TP.Đà Nẵng đã công bố phần mềm đăng ký giấy đi đường tự động tại giaydiduong.danang.gov. TP này cũng phân cấp từng đơn vị cụ thể (gồm các Sở, UBND cấp phường) chịu trách nhiệm xác nhận theo các lĩnh vực, thay vì "dồn toa" cho cảnh sát khu vực và UBND phường, xã như Hà Nội. Sau khi được phê duyệt, cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Đà Nẵng có thể tự in giấy đi đường QR Code.
|
Không thể phong toả mãi
Giãn cách toàn thành phố hay giãn cách theo vùng của Hà Nội vẫn là áp dụng giãn cách theo các mức độ và khu vực khác nhau. Về cơ bản, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ… vẫn tiếp tục “đóng băng”.
Các chuyên gia dịch tễ như TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đều khẳng định với thực tế hiện nay, Hà Nội không thể đưa F0 về con số 0. Với các tín hiệu "báo động" từ nhiều chỉ số kinh tế giảm mạnh sau hơn 1 tháng giãn cách triệt để, Hà Nội không thể phong toả mãi mà cần mở dần cho các doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh trở lại, trước khi các doanh nghiệp "kiệt quệ".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, cuộc chiến còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.
Với Hà Nội, 15 ngày tới đây sẽ là “thời gian vàng” thành phố có thể tận dụng để xét nghiệm, bóc tách F0, khoanh vùng để xoá các ổ dịch. Đây cũng là thời gian chờ để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 1 và hoàn thành mũi 2 cho người dân, với điều kiện tiên quyết là lượng phân bổ vắc xin cho TP sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Nếu không thực hiện được 2 điều này, những thử nghiệm giãn cách của Hà Nội trong 15 ngày tới sẽ không thể hiệu quả.
Bình luận (0)