Sáng nay, 8.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đặc xá sửa đổi.
Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cho biết từ góc độ dân nguyện bà quan tâm tới tính dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch của việc lựa chọn xét duyệt đối tượng được đặc xá, quy định tại điều 4 của dự luật.
Theo bà Hải, quá trình bình bầu, lựa chọn đối tượng đáp ứng các điều kiện đặc xá là quy trình tương đối khép kín trong nội bộ ngành công an, dẫn đến vẫn còn dư luận băn khoăn.
Bà Hải dẫn chứng, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước, theo báo cáo của Bộ Công an thì gần như không có khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác đặc xá. Chỉ có một vài đơn, nhưng sau đó xem xét thì thấy không đủ căn cứ.
Bên cạnh đó, theo bà Hải, việc thanh tra, kiểm soát quy trình này đã được quy định trong chức năng của viện kiểm sát, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng.
“Hiện cũng chưa có tổng kết gì hơn nhưng qua dư luận thì vẫn thấy rằng, việc tất cả quá trình nằm trong nội bộ ngành công an thì vẫn còn có dư luận băn khoăn”, bà Hải nói, và đề nghị trong phần công tác thanh tra, kiểm tra, phải quy định rõ hơn về trình tự thủ tục tham gia của viện kiểm sát vào quá trình thực hiện đặc xá.
Bên cạnh đó, bà Hải cũng đề nghị việc thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá ngoài các thành phần trong dự thảo như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, cần cân nhắc có thêm đại diện cơ quan dân cử như sự tham gia của các đại biểu Quốc hội hay cơ quan của Quốc hội.
Giải đáp thêm về vấn đề này, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng tình rất cần công khai, minh bạch trong công tác đặc xá. Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định, thực tế công tác này đang diễn ra theo hướng công khai, minh bạch, chứ không phải khép kín, không minh bạch như dư luận nêu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, tất cả quy định pháp luật về giam giữ nói chung, trong đó có luật Đặc xá, thì các phạm nhân là những người hiểu và nhận thức một cách đầy đủ nhất về quyền của họ đến đâu, trong trường hợp nào thì được đặc xá.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, khi triển khai đặc xá, cơ quan chủ trì trong Bộ Công an là cơ quan thi hành án hình sự. Ngoài ra, viện kiểm sát là thành viên của Hội đồng Tư vấn đặc xá nên không phải thi thoảng mới giám sát mà kiểm soát thường xuyên và rất chặt chẽ những lần đặc xá. Thêm nữa, việc giám sát còn thực hiện ở các địa phương, qua Hội đồng nhân dân, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân các cấp.
“Tôi nghĩ nó không có gì là khép kín, không có gì là không minh bạch”, ông Sơn khẳng định.
Bình luận (0)