Thủ tướng: 'Hạn chế thủy điện để không lấy rừng, đất rừng'

02/11/2020 14:37 GMT+7

Nói về vấn đề nóng bỏng là mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tác hại của thiên tai rất lớn, cần phải đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người.

Phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 2.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lũ lụt, thiên tai là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, và cho rằng chưa bao giờ thiên tai vào Việt Nam dồn dập như thế, phải gọi là thiên tai lịch sử, thiệt hại rất lớn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định Chính phủ đang có chương trình khắc phục quyết liệt, chỉ đạo cụ thể hơn. Các tỉnh, thành ủy cũng đều ra nghị quyết chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện.
“Chính phủ sẽ có chính sách mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ, như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là biện pháp chăm sóc, tìm người mất tích quyết liệt hơn”, Thủ tướng khẳng định, và cho biết số người dân bị nạn, mất tích chưa tìm thấy là trên 50 người. “Rất đau lòng cho thân nhân, gia đình của họ”, ông nói.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ có biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10 đang vào miền Trung. “Bão số 10 theo dự báo là rất mạnh, càng vào thì càng yếu hơn, nhưng mưa khu vực ở Tây nguyên, miền Trung tiếp tục diễn ra, cần đề phòng sạt lở đất”, Thủ tướng nhắc nhở.

Bão số 10 có thể mạnh lên khi tiến gần vào quần đảo Hoàng Sa

"Mưa thối đất thì không kết cấu nào chịu được"

Nói về nguyên nhân gây sạt lở dẫn đến nhiều thương vong thời gian qua tại miền Trung, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính, mà mưa trên 1.000 mm nửa tháng thì nhão. "Mưa thối đất thì không kết cấu nào chịu được", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng, báo cáo về thảm thực vật tại khu vực vẫn còn 80 - 90%. Do đó, có thể kết luận nguyên nhân sạt lở là do mưa lũ làm thay đổi kết cấu địa chất của khu vực là chính.
Dẫn chứng khu vực Trà Leng thì không có thủy điện nào cả; khu vực Hương Hóa, Quảng Trị mà 23 cán bộ, chiến sĩ hy sinh thì núi cách đó 1,6 km chứ không phải núi tại chỗ; còn ở Rào Trăng 3 thì núi cách đó 200 - 300 m, Thủ tướng cho rằng tác hại của thiên tai rất lớn, cần phải đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người.
“Đó là phải tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng. Tôi nói rất nhiều lần là Tây nguyên không thể thành sa mạc, mà Tây nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
So sánh hiện nay độ che phủ rừng của Việt Nam khá cao, vào khoảng 43%, của Trung Quốc chỉ là 28%, Thủ tướng cho rằng đó là sự cố gắng, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây nguyên. "Tới đây, dọc miền Trung phải làm tốt hơn", Thủ tướng lưu ý.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, cần phải xem xét thủy điện nhỏ để hạn chế việc phá rừng. “Hiện nay, theo nghị quyết của Quốc hội, những công trình nào lấy đất rừng đều phải trình ra Quốc hội, và phải chứng minh được công trình có tác dụng giải quyết đời sống nước uống, sinh hoạt cho người dân khu vực đó", Thủ tướng nói thêm.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

"Chẳng lẽ năm tới lại để bị vùi lấp như thế nữa?"

Phát biểu tại tổ Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị phải nâng cao chất lượng dự báo thiên tai.
Theo bà Ngân, phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để chuẩn bị nguồn lực ứng cứu. Đồng thời, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận tại tổ sáng 2.11

Ảnh Ngọc Thắng

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 và trong 5 năm tới không thể không lồng ghép những nội dung vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa phòng chống thiên tai. Ví dụ bây giờ, biết những khu dân cư, những nơi mưa lũ có thể bị vùi lấp thì phải chủ động ngay. "Chả nhẽ năm nay thế rồi, năm tới lại để bị vùi lấp tiếp như thế nữa hay sao?”, bà Ngân nói.
Từ đó, bà Ngân đề nghị Quốc hội phải thảo luận về vấn đề này, thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai. “Hàng năm ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương phải chú ý cho nhiệm vụ này”, bà Ngân nhấn mạnh.

Cô giáo khóc trên trực thăng, cảm ơn quân đội đưa ra khỏi vùng sạt lở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.