Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Mặt trận cần tôn trọng những điểm khác biệt'

19/09/2019 13:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc cần tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời chủ động tham gia sâu hơn vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng , tiêu cực.

Giám sát, phản biện còn hạn chế

Sáng 19.9, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội lần thứ 9 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, Thủ tướng nhấn mạnh, trải qua gần 90 năm hình thành và phát triển, do Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh.
Đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, góp phần củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng vững chắc và là sức mạnh to lớn cho sự ổn định, phát triển của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh: "Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta”.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn thừa nhận công tác Mặt trận còn những hạn chế, bất cập, cần có các giải pháp để khắc phục, như: nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội...
"Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá”, Thủ tướng nói.

"Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm"..."

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhắc lại 4 nguy cơ Đảng ta chỉ ra đến nay vẫn còn tồn tại và tiếp tục là những thách thức không nhỏ, tuyệt đối không được chủ quan, xem nhẹ, đó là: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục; những diễn biến mới, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đe doạ hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sự chống phá của các thế lực thù địch; thiên tai, dịch bệnh và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu,…
Từ đó, Thủ tướng chỉ rõ, nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
“Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng đề nghị.

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự khai mạc Đại hội lần thứ 9 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 19.9

Ảnh Ngọc Thắng

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
"Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nói.
Ngoài đề nghị Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, Thủ tướng cũng bày tỏ: "Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.