Bên ngoài khuôn viên hội thảo, đang diễn ra phiên chợ “Quà tặng nông sản” (7 - 8.12) nhưng theo quan sát thực tế thì chỉ có hơn 10 thương hiệu thực phẩm, nông sản chế biến các loại được bày bán và giới thiệu. Đó là cam Vinh Kỳ Yến xứ Nghệ, cháo ăn liền của Saigon Food, nước mắm Khải Hoàn, xà phòng thiên nhiên Softia, nước cốt phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, dấm gạo, bánh dưỡng sinh Cmacro, chà bông TohFish… Dù vậy, ngay từ sáng khai mạc phiên chợ, người tìm đến mua hàng khá đông.
Mua vì thấy yên tâm, thực chất thế nào không rõ
|
Cô gái bán những quả cam xứ Nghệ vàng ươm tại phiên chợ “Quà tặng nông sản” với giá 80.000 đồng/kg. Nhiều người mua chê sao cam Vinh quá đắt, hàng đẹp mua tại TP.HCM cũng chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Cô gái giải thích cam được trồng hoàn toàn bằng mô hình trang trại sinh thái, không sử dụng hóa chất và hiện công ty chỉ trồng được 5 ha cam sinh thái, 10 ha cam chuẩn VietGap.
“Mấy thùng cam chúng em đưa vào giới thiệu tại phiên chợ là một kỳ công bởi số lượng rất ít, hàng hái lựa từng quả. Do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên cam dễ bị sâu bệnh, năng suất không cao và bề ngoài không đẹp bóng mướt như hàng bán trên thị trường. Tuy nhiên, khi đã chọn cách làm này, công ty chấp nhận bán hàng cao hơn và sản lượng thấp hơn nhiều”, cô gái nói.
Với khẩu hiệu ghi trên danh thiếp “hướng đến vì một quốc gia không có bệnh ung thư”, nhân viên bán hàng sản phẩm bột nêm từ rau củ Jan’s giá 78.000 đồng/chai giải thích: “Khác biệt của sản phẩm bột nêm hữu cơ an toàn là không sử dụng siêu bột ngọt, không chất bảo quản, không phụ gia hương liệu, không phẩm màu, không nguyên liệu biến đổi gien. Do không dùng chất bảo quản nên tuổi đời của sản phẩm thấp hơn nhiều hàng công nghiệp. Vì thế giá thành cũng có thể nhỉnh hơn một ít”.
Chị Mai Thu Thủy (Q.3, TP.HCM) đang mua loạt những bắp cải, bí hữu cơ tại phiên chợ cho biết: “Cảm giác chỉ là thấy thực phẩm này thân thiện, an toàn hơn hàng trong siêu thị, nên mua dù giá có nhỉnh hơn một chút. Nếu mua từ các trang Facebook, các cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ, giá còn cao hơn nhiều. Mua vì thấy an tâm chứ thực chất sản phẩm thế nào không rõ, chỉ biết tin vào người bán hàng”.
Cách đây không lâu, tại hội chợ hàng nông sản được tổ chức tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (Q.1), nhiều hàng nông sản được giới thiệu là sản phẩm hữu cơ được bày bán. Khi đó, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều sản phẩm hữu cơ thật với nhiều cái tên đã là sự bảo chứng cho chất lượng. Song cũng có nhiều sản phẩm hữu cơ khá mới, ít người biết. Qua trao đổi, một số đơn vị sản xuất gạo, trái cây, thủy sản… cho hay, họ chưa có giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ bởi… khó lắm. Hiện đa số chỉ mới “đi theo hướng hữu cơ của EU, Mỹ”. Dù vậy giá bán của hầu hết các sản phẩm “đi theo hướng hữu cơ” này vẫn đắt gấp 3 lần so với giá bình quân trên thị trường.
|
Chỉ 2/10 nhà làm thực phẩm an toàn thực sự
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, nhận xét: “Chúng ta đang bị bao vây bởi thực phẩm bẩn, thực phẩm an toàn dỏm, không đúng với những gì nhà sản xuất quảng cáo nói với người tiêu dùng. Thực tế, người tiêu dùng Việt đang bị dẫn dắt bởi ma trận thực phẩm hữu cơ thật giả lẫn lộn”.
Khoát tay chỉ các quầy hàng đang được trưng bày một cách khiêm tốn tại phiên chợ, bà Minh nói tiếp: “Có thể các bạn sẽ ngạc nhiên tại sao phiên chợ thực phẩm sạch mà chỉ có hơn chục chiếc bàn trưng bày hàng hóa thế này. Lèo tèo quá, ít quá và khiêm tốn quá phải không? Đa số họ không phải là doanh nghiệp lớn, là những người khởi nghiệp. Nhưng họ là những nhà làm thực phẩm hữu cơ, an toàn thực sự, đang dấn thân vào con đường vô cùng khó khăn là sản xuất không lệ thuộc vào hóa chất. Doanh nghiệp đầu tư sản xuất thực phẩm an toàn thực sự không nhiều, hàng hóa rất ít, nhưng chính họ không thể đưa hàng vào các chợ đầu mối vì thương lái không mua. Sản phẩm thương lái cần là đẹp, bắt mắt và giá rẻ chứ không phải bề ngoài xấu xí giá lại cao thế này”.
Tiếp lời bà Minh, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia an toàn thực phẩm của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, bổ sung rằng chỉ gọi là thực phẩm an toàn, chứ bảo thực phẩm hữu cơ thì khó. Ngay cả 10 người đang tuyên bố làm thực phẩm an toàn, bán giá cao ngất ngưởng thì chỉ có 2 - 3 người làm thực sự, còn lại là an toàn “dỏm”.
“Thực phẩm hữu cơ có thể bán giá cao gấp 2 - 3 lần sản phẩm thường. Nhưng với người làm hữu cơ “dỏm”, bán giá gấp đôi hàng thường đã lãi nhiều. Chính những người này hay thổi phồng sự bất an của thực phẩm bình thường bán trên thị trường để bán được hàng nhiều hơn với giá cao hơn. Họ tự xưng làm thực phẩm an toàn, làm truyền thông để cả xã hội nhìn đâu cũng thấy chất bảo quản là nguy hại, nhìn đâu cũng nghĩ hạt gạo có phun thuốc trừ sâu là bất an”, ông Thành nói.
Minh bạch cần bàn tay Nhà nước
Vậy làm thế nào để biết đâu thực sự là thực phẩm an toàn? Thạc sĩ Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm - quản lý chuỗi Seasap, cho rằng VN nên học cách làm thực phẩm an toàn của châu Âu. An toàn thực phẩm ở châu Âu đang được chứng nhận hợp pháp bởi các nhà bán lẻ.
“Chính nhà bán lẻ chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và cũng nhờ những tiêu chuẩn tự nguyện này đã giúp nhà bán lẻ kiểm soát được chất lượng hàng hóa của họ”, bà Thanh nói và nhận xét thêm: “Tất nhiên trước khi có những tiêu chuẩn tự nguyện được xây dựng bởi các nhà bán lẻ, họ có hệ thống luật định khắt khe trong an toàn thực phẩm. Không phân biệt hàng bán trong siêu thị khác bán ngoài chợ cá thế nào. Phải thống nhất trên toàn quốc. Nhưng VN đang quản lý an toàn thực phẩm khác các nước rất nhiều, thế nên mới “đẻ” ra cái gọi là thực phẩm an toàn và thực phẩm thông thường để lừa người tiêu dùng”.
Đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch thì cho rằng, nhà nước nên xây dựng chuẩn truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang tính minh bạch từ nguyên liệu đầu vào. Đã đến lúc thực phẩm an toàn phải coi như điều hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Vai trò của Chính phủ trong góp phần giúp minh bạch trong sản xuất thực phẩm sạch rất quan trọng.
Bình luận (0)