Sáng 21.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khai mạc, với sự tham dự 339 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 72.000 đảng viên trong tỉnh.
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, cho biết nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), có 13/15 chỉ tiêu đề ra trong Đại hội lần thứ XXI đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, nổi bật một số kết quả như tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Ninh Bình đạt 8,03%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 88,3%; sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22,03%. Thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt gần 59.000 tỉ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước.
|
Về Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, liên tục trong 4 năm gần đây kết quả thi tốt nghiệp THPT của Ninh Bình xếp thứ 3 toàn quốc, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Từ những nỗ lực trong nhiệm kỳ qua, đến nay, Ninh Bình đã có 106/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 91,4% tổng số xã), 3 đơn vị cấp huyện (H.Hoa Lư, H.Yên Khánh, H.Gia Viễn) đạt chuẩn huyện nông thôn mới, TP.Tam Điệp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đánh giá cao những kết quả đạt được của Ninh Bình trong nhiệm kỳ qua, đồng thời cũng đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại ở Ninh Bình.
Cụ thể, so với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân phát triển 5 năm qua của Ninh Bình còn thấp, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu. Thu hút đầu tư còn hạn chế. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều. Thu ngân sách tăng cao nhưng chưa thật bền vững. Tăng trưởng nông nghiệp chưa thể hiện rõ theo hướng hiện đại. Trật tư, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
|
Do vậy, ông Trần Quốc Vượng đề nghị đại hội tập trung thảo luận, đánh giá sâu hơn, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm ra các biện pháp giải quyết các khuyết điểm, hạn chế.
Ông Trần Quốc Vượng cũng đã đặt ra một số vấn đề, đề nghị đại hội thảo luận, xem xét, đặc biệt là “có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới”. Bởi, Ninh Bình với vị trí chiến lược, kết nối khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây Bắc, lại nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Đồng thời, nhiệm kỳ mới, Ninh Bình cần coi trọng giữ gìn và bảo vệ tốt môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp. Cần nhận thức sâu sắc hơn và phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư, phát huy phẩm chất người Ninh Bình có ý chí vươn lên trong khó khăn, thử thách, cần cù, năng động và sáng tạo.
Chiều 21.10, đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tối cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ mới sẽ tổ chức hội nghị lần thứ nhất để bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngày 22.10, Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Ninh Bình sẽ công bố kết quả bầu cử và bế mạc đại hội vào chiều cùng ngày.
Bình luận (0)