Thường vụ Quốc hội có thể sẽ xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn dự kiến

06/03/2018 17:09 GMT+7

Hiện có ý kiến đề xuất đẩy sớm việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lên kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng 5 tới), thay vì kỳ họp thứ 6 vào cuối năm, như quy định.

Dự kiến một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3 này là cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo chương trình, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy sẽ trình bày tờ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi chủ tọa phiên họp kết luận vào ngày bế mạc 22.3.
Đây là một việc khá bất thường, vì theo Nghị quyết 85/2014/QH13, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ, tức là phải vào kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, hiện có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm lên kỳ họp thứ 5. Như vậy, sẽ trái với Nghị quyết 85, đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ phải sửa Nghị quyết này trước khi tiến hành việc lấy phiếu.
Vì lý do này, hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau xung quanh đề xuất trên.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 6.3, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, cho biết với chức năng cơ quan tham mưu, Ban Công tác đại biểu chưa trình chính thức một phương án nào, mà đang chuẩn bị cả 2 phương án (lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6). Hiện đây mới là nội dung đang thảo luận, chứ chưa thành chủ trương chính thức.
Theo quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội quy định tại Nghị quyết 85, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Do đó, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 này được quyết, thời điểm quyết định sẽ phải là trong tháng 3 này để hoàn thiện các quy trình.
Theo chương trình dự kiến, phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 - 13.3 và đợt 2 vào ngày 20 - 22.3. Trong đợt 1, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật Đo đạc và bản đồ; một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học; dự án luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Vào ngày 13.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Nga).
Vào đợt 2, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Khoa học -Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm (quy định tại điều 10, Nghị quyết 85/2014/QH13)
1. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. 
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
a) Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước;
b) Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;
c) Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;
d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.