Về nguyên nhân sạt lở, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trước khi các đập thủy điện Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm từ Trung Quốc về tới Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) khoảng 73 triệu tấn, trong đó hàm lượng cát lơ lửng là 52 triệu tấn và, bùn cát đáy 21 triệu tấn. Nhưng từ 2012 đến nay, khi các hồ chứa phía Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể, đây là nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này.
Thuỷ điện Trung Quốc làm gia tăng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long
29/03/2018 11:40 GMT+7
Diễn biến xói, sạt lở bờ biển , bờ sông khiến khu vực đồng bằng các tỉnh phía Nam mỗi năm mất 300 ha đất có nguyên nhân từ hoạt động của các thủy điện Trung Quốc.
Chia sẻ thông tin tại cuộc họp tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 diễn ra sáng nay, 29.3, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực các tỉnh phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển.
Đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
Qua theo dõi từ 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực đồng bằng các tỉnh phía nam giảm khoảng 300 ha/năm, trong đó chủ yếu khu vực bờ biển thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
Thông tin về hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN - PTNT) cho biết, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng, với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng, chống thiên tai, cho rằng sạt lở, xói lở gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguyên nhân từ khai thác nước ngầm, khai thác cát quá mức. Trong 25 năm qua, nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5 m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1 cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Ngoài ra, cát trên sông Tiền và sông Hậu đang bị khai thác quá mức. Tính đến năm 2016, có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3/năm. Đó là chưa kể đến khối lượng khai thác cát của các dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy.
“Dự báo trong những năm tới, nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng và xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn”, ông Sơn cảnh báo.
Bình luận (0)