Tiêm 6,3 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân, TP.HCM đã an toàn?

04/09/2021 18:26 GMT+7

Tính đến hết ngày 3.9, TP.HCM đã tiêm hơn 6,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Liệu TP.HCM đã đủ mức an toàn trong phòng chống dịch để có thể mở cửa các hoạt động?

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 3.9, TP.HCM đã tiêm hơn 6,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi. Trong đó hơn 5,9 triệu người tiêm mũi 1, đạt hơn 82%; gần 398.000 người đã tiêm đủ 2 mũi, đạt trên 5,5%. Trong số hơn 5,9 triệu người đã tiêm vắc xin, có hơn 691.000 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Với số lượng vắc xin đã tiêm kể trên, liệu TP.HCM đã đủ mức an toàn để mở lại các hoạt động?

TP.HCM tìm giải pháp cho người chưa tiêm vắc xin Moderna mũi 2 ngừa Covid-19

Chưa đủ đảm bảo an toàn

“Theo tôi, con số tiêm vắc xin Covid-19 này là chưa đủ mức an toàn. Vì biến chủng Delta lây nhiễm rất lớn. Phải tiêm đủ 92% dân số, kể cả người già và trẻ em thì mới đạt được miễn dịch”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ với PV Thanh Niên vào chiều 4.9.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, việc tiêm vắc xin là tiền đề cơ bản để phối hợp với các biện pháp phòng chống lây lan khác, như 5K.

Tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ cá nhân mà còn là bảo vệ cộng đồng

ĐỘC LẬP

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cao sẽ giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, điều này là rất quan trọng, sẽ giúp giảm quá tải trong điều trị. Giảm tỷ lệ bệnh nặng đồng nghĩa với giảm tử vong. Tất cả bệnh lý đều có thể gây tử vong, nhưng miễn là tử vong ở mức khống chế được và hài hòa.
“Còn nếu quá tải trong điều trị sẽ gây khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng chăm sóc y tế, cụ thể là người dân vào bệnh viện không được, gọi cấp cứu nhưng cấp cứu đến nhà thì đã tử vong. Điều này rất nguy hiểm”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

Huy động ra sao với những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin?

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng tiêm phủ đủ vắc xin phòng Covid-19, cộng với 5K, cộng với nguồn lực y tế để điều trị thì mới có thể gỡ giãn cách.
Tiêm vắc xin Covid-19 cũng là để bảo vệ xã hội, để nguồn lực xã hội tập trung chăm lo cho người bệnh, đó là điều quý nhất và lớn nhất. Những người đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 có thể được huy động làm công tác tái phục hồi sản xuất, phục hồi lưu thông hàng hóa, chăm sóc điều trị thông thường.

Cần đẩy nhanh tiêm mũi 2 cho người dân

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ thêm, những người đã tiêm mũi 2 có thể làm tình nguyện viên, cộng với cơ chế hợp lý, hoàn toàn tham gia trực tiếp được vào công tác điều trị, chăm sóc ở các khu cách ly, điều trị Covid-19. Hiện nay, nhiều bệnh nhân cần chăm sóc nhưng nhân viên y tế lại quá sức, quá tải. Do đó, lực lượng đã tiêm mũi 2 vắc xin rất hữu dụng.

Ngày 4.9: Thông báo 347 ca Covid-19 tử vong tại 16 tỉnh thành

Điều kiện nào để TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới ?

“Bây giờ chưa thể bỏ giãn cách hoàn toàn, nhưng phục hồi một phần sinh hoạt xã hội và một phần của sản xuất để đủ vượt qua đại dịch. Nếu cắt bỏ hoàn toàn sinh hoạt xã hội, cắt bỏ hoàn toàn sản xuất thì sẽ ảnh hưởng về lâu dài. Còn nếu "bung" ra hoàn toàn thì dẫn đến lây lan nhiều, lúc đó gây quá tải ngành y tế và gây hỗn loạn xã hội trở lại. Cái khó là làm sao cân bằng được sản xuất tối đa trong việc duy trì tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong không quá cao”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Tiêm phủ mũi 2 cho người cao tuổi, người có bệnh nền

ĐỘC LẬP

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, để TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới thì tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 ít nhất là 85% dân số trở lên. Những nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền, thai phụ… ); nhân viên y tế; shipper, nhân viên bán hàng siêu thị thì cần tiêm phủ mũi 2. Chuẩn bị cơ sở điều trị để đủ đáp ứng. Cần có 1 quy trình tổ chức phù hợp, được kiểm soát có hiệu quả và nhanh chóng nếu dịch lây lan xảy ra.

Bóc tách F0 là để có giải pháp quản lý, chăm sóc, cách ly

Nói về công tác bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng ở TP.HCM hiện nay, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng đây là công tác rất quan trọng. Nhưng có phải là bóc tách hay không, hay phát hiện ra rồi để đó? Hiện nay, nhiều địa phương đặt chỉ tiêu xét nghiệm quá nặng nề nên chỉ tập trung vào chỉ tiêu xét nghiệm. Do đó, công tác xét nghiệm để tìm ra F0 còn phải kết hợp công tác để chăm sóc và tạo điều kiện cho F0 không làm lây lan cho người khác. Khi xét nghiệm không đáp ứng nhu cầu người dân thì sự hợp tác sẽ không đầy đủ, như vậy việc làm sẽ kém hiệu quả. Lực lượng cần tập trung chăm sóc những người nào cần chăm sóc, cách ly những người nào cần cách ly, điều trị…

Lẫy mẫu là nhằm phát hiện F0 để quản lý, chăm sóc, điều trị

ĐỘC LẬP

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, thực trạng ở một số địa phương không chuẩn bị danh sách người cần xét nghiệm, do đó, khi xét nghiệm xong thì không biết được là bao nhiêu người, đã xét nghiệm đủ hay chưa? Còn người dân chưa hiểu hết, người không bệnh thì xét nghiệm, còn người có triệu chứng thì không xét nghiệm.
“Có những người xét nghiệm không có danh sách trước nên cán bộ xét nghiệm ghi tên, điện thoại nhưng sau đó gọi lại thì không liên hệ được. Điều này nói lên gì? Người dân sợ cách ly nên khai tên, điện thoại giả", PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhận định.
“Nhưng TP.HCM không phải là một hòn đảo. Nếu dồn vắc xin Covid-19 cho TP.HCM, dĩ nhiên là tốt cho TP.HCM, nhưng chưa chắc tốt cho cả nước. Nếu TP.HCM chống dịch đã tốt nhưng dịch vẫn hoành hành ở các khu vực xung quanh, thì cũng sẽ không phục hồi sản xuất đầy đủ, chuỗi cung ứng hàng hóa cũng bị thiếu hụt, thiếu lực lượng lao động. Đây đúng là bài toán khó, vì vừa phải làm sao kiểm soát được dịch tại TP.HCM, vừa phải dập dịch ở các khu vực lân cận, cũng như trên cả nước”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.