3 địa điểm đầu tiên sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày mai (8.3).
“Hộ chiếu” vắc xin
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết lần này vắc xin Covid-19 không đủ phân bổ cho 63 địa phương, chỉ phân bổ một phần trong 13 tỉnh, thành có dịch. Lần tiêm đầu tiên, từ ngày 8.3 tới, số lượng vắc xin hạn chế nên ưu tiên trước cho Hải Dương, cùng với Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 tại H.Đông Anh (Hà Nội) và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
“Ngoài ra, chúng ta đang đề nghị COVAX vận chuyển sớm cho Việt Nam 1,3 triệu liều vắc xin, và dự kiến sẽ có thêm trong tháng 3 này. Tháng 4 và 5, số vắc xin tiếp tục tăng dần. Việc tiêm cho người dân sẽ được triển khai ngay khi có các lô vắc xin Covid-19 về bổ sung, ước sẽ có hơn 100 triệu liều được tiêm tại Việt Nam trong năm nay”, ông Long cho biết.
“Vắc xin Covid-19 lô đầu tiên tiêm tại Việt Nam do AstraZeneca sản xuất, chỉ có hạn sử dụng trong 6 tháng, tiêm cho người từ 18 tuổi, dành ưu tiên cho người làm công tác phòng chống dịch. Việc tiêm vắc xin triển khai tại tất cả các cơ sở có bệnh nhân Covid-19 vì nguy cơ lây nhiễm cao, những người tham gia tổ chống dịch tại cộng đồng, tổ truy vết. Bộ Y tế cũng tiêm lần sau”, ông Long cho biết.
Vẫn theo ông Long, lần tiêm này sẽ được lưu thông tin trên nền tảng phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân, và Việt Nam đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ. Người dân cần tải app hồ sơ sức khỏe, qua đó tăng cường giám sát về tiêm chủng phòng dịch và cũng nhận phản ánh về phản ứng bất lợi sau tiêm. “Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, là hộ chiếu vắc xin của mỗi công dân, được quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Đảm bảo tối đa các điều kiện tiêm vắc xin an toàn
“Chắc chắn có tai biến không mong muốn xảy ra, có những ý kiến anti vắc xin, nhưng không vì thế mà làm lung lay việc tiêm chủng để bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Vì 100% người tiêm nếu mắc Covid-19 sẽ nhẹ hơn và không tử vong, đó là điều rất quan trọng”, ông Long nói, và lưu ý song song với việc tiêm chủng vẫn phải tập trung, đặc biệt chú trọng thực hiện phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K, vì vắc xin Covid-19 không thể bảo vệ 100% người được tiêm. Với các vắc xin khác nhau, tỷ lệ bảo vệ trung bình 90 - 94%. Vắc xin của AstraZeneca 72% được bảo vệ sau tiêm mũi 1, sau mũi 2 là 84%.
Chưa thể công bố giá vắc xin Covid-19Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do số lượng vắc xin lần này ít nên sẽ triển khai tiêm theo lộ trình tiếp cận. Hầu hết khi chúng ta đàm phán mua vắc xin, các hãng cung cấp vắc xin đều yêu cầu ký với Chính phủ và ký với Bộ Y tế. Do đó, đề nghị các địa phương hết sức lưu ý, là nếu có đơn vị, cá nhân nào cam kết cung cấp bán vắc xin, cần báo ngay cho Bộ Y tế, vì Bộ quản lý nguồn cung vắc xin để đảm bảo chất lượng và phân bổ. Giá mua vắc xin sẽ công khai sau, vì hiện nay các hãng yêu cầu bảo mật giá khi đàm phán.
Ngày 6.3, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết 900 nhân viên y tế của BV sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 của Hãng AstraZeneca trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 8.3. Như vậy, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM là nơi đầu tiên tại TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19.
Trong khi đó, Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC) cũng đã sẵn sàng phương tiện vận chuyển 117.600 liều vắc xin Covid-19 (nhập khẩu về VN cuối tháng 2.2021) về các điểm tiêm, các tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Tối 6.3, VNVC cũng đã chuyển vắc xin Covid-19 từ TP.HCM ra Hà Nội để phục vụ tiêm cho đối tượng ưu tiên các tỉnh phía bắc.
Duy Tính
|
Về các biện pháp an toàn tiêm chủng vắc xin Covid-19, PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết vắc xin Covid-19 không sử dụng sau 6 giờ mở lọ. Các điểm tiêm không quá 100 đối tượng/buổi; đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng, giữa các đối tượng. Thực hiện sàng lọc Covid-19 trước khi đối tượng đến tiêm chủng và trước buổi tiêm chủng; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị dây chuyền lạnh, dụng cụ tiêm chủng và sẵn sàng xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Sau tiêm phải theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, và theo dõi tiếp 24 tiếng sau tiêm tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm các địa phương cần xác định rõ đối tượng tiêm vắc xin Covid-19. Chính phủ giao Bộ Y tế mua 150 triệu liều vắc xin trong năm nay để đáp ứng yêu cầu chống dịch, nguồn kinh phí mua gồm cả ngân sách và nguồn xã hội hóa. Bộ Y tế cũng sẽ đàm phán, tiếp cận thêm các nguồn vắc xin Covid-19, cung ứng cho cả tiêm miễn phí và dịch vụ.
Phân bổ đợt 1 vắc xin Covid-19Ngày 6.3, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ đợt 1 vắc xin Covid-19 (AstraZeneca) cho 13 địa phương, 2 bộ và 21 bệnh viện (BV). Trong đó, số liều vắc xin được phân bổ cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội là 8.000; CDC tỉnh Hải Dương 32.000; CDC TP.HCM 8.000; CDC tỉnh Quảng Ninh 3.800; Trung tâm y tế dự phòng TP.Hải Phòng 2.800; CDC tỉnh Bắc Ninh 2.100; CDC tỉnh Hòa Bình 1.600; CDC tỉnh Hưng Yên 3.100; CDC tỉnh Bắc Giang 3.100; CDC tỉnh Gia Lai 1.800; CDC tỉnh Hà Giang 1.700; CDC tỉnh Bình Dương 1.200; CDC tỉnh Điện Biên 1.800; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mỗi bộ 30.000 liều.
Số liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ 21 BV: BV Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương: 300; BV đa khoa tỉnh Hải Dương (cơ sở 2): 500; BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (thuộc Bộ Y tế, tại Hà Nội): 450; BV dã chiến 2 Quảng Ninh: 200; BV dã chiến tỉnh Gia Lai: 100; BV dã chiến Củ Chi (TP.HCM): 150; BV đa khoa tỉnh Tây Ninh: 400; BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh: 800; BV Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng): 200; Trung tâm y tế TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên): 100; BV đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười: 250; BV đa khoa khu vực Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp): 350; BV đa khoa tỉnh Bình Dương: 500; BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa: 100; BV Sản - Nhi Quảng Ninh: 100; BV Phổi Đà Nẵng: 100; Trung tâm y tế H.Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu): 200; BV đa khoa H.Xín Mần (Hà Giang): 100; BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM: 900; Trung tâm y tế H.Chí Linh (tỉnh Hải Dương): 100; BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương: 100.
|
Bình luận (0)