Trong bài viết: CSGT TP.HCM bị xe máy kéo đi mấy chục mét khi yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, PV Thanh Niên cho biết, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM xác nhận đã nhận báo cáo từ Đội CSGT Cát Lái liên quan clip xe máy kéo lê CSGT một đoạn đường dài đang lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, vụ việc xảy ra trên đường Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vào 20 giờ 30 ngày 24.1.2021. Vào thời điểm này, tổ công tác của CSGT Cát Lái phát hiện xe máy có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính kết hợp kiểm tra nồng độ cồn. Thế nhưng, người điều khiển xe máy không dừng mà còn tăng ga bỏ chạy, tạt đầu ô tô mặc dù thấy CSGT đang vịn bên hông xe. Xe máy chạy đi tiếp được một đoạn khoảng 10 m thì CSGT ngã ra đường, trong khi người điều khiển xe máy bỏ chạy.
Không thể chấp nhận!
Theo bạn đọc (BĐ) Lê Hoàng Lâm, CSGT là người được pháp luật giao quyền để thi hành công vụ. Khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, thì người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng. Thế nhưng, người điều khiển trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội không những không dừng, mà khi thấy CSGT níu xe lại đã bỏ chạy, khiến CSGT ngã ra đường. May mắn trong trường hợp này, không có phương tiện phía sau chạy tới; nếu có thì thật khó lường cho tính mạng của CSGT...
BĐ Phương Vân nêu: “Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như nhiều clip trên internet, tôi thấy có khá nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông (cả xe mô tô, lẫn ô tô con, ô tô tải...) cố tình tông thẳng vào CSGT tạo ra những hình ảnh CSGT phải đu bám trên xe; có những trường hợp nghiêm trọng khiến CSGT tử vong… Hành động này không thể chấp nhận được! Cũng từng có tranh luận hành động của những người điều khiển phương tiện giao thông như thế có dấu hiệu phạm tội “chống người thi hành công vụ” hay “giết người”. Án lệ để xử hành vi người vi phạm tông xe vào CSGT được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua năm 2018 (án lệ số 18/2018) đã xác định hành vi này là phạm tội giết người với tình tiết định khung: “giết người đang thi hành công vụ”. Tưởng rằng, những ai đang có ý định điều khiển phương tiện tông vào CSGT đang làm nhiệm vụ hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe nên biết đến án lệ này”.
Hạn chế mất mát không đáng có
BĐ Nguyễn Mạnh Hà đề nghị: “Trường hợp này phải sớm công khai xử lý để răn đe những kẻ có ý thức không cao trong khi tham gia giao thông, bảo vệ mọi người và đặc biệt lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Hạn chế tối đa đau thương mất mát không đáng có, nhất là tính mạng con người”.
Trên tinh thần đảm bảo an toàn, tính mạng cho người điều khiển phương tiện giao thông, lẫn lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, nhiều BĐ cũng nêu ra những băn khoăn. BĐ Nguyễn Anh góp ý: “Quá nguy hiểm cho anh CSGT! Bằng cách nào đó để ngăn chặn người vi phạm giao thông nhưng không nên đu bám theo xe rất nguy hiểm; phải xử lý nặng những người cố tình vi phạm an toàn giao thông”.
Theo BĐ Tùng Triều, trong trường hợp này, nên phối hợp các lực lượng để truy đuổi, đến khi an toàn thì khống chế đối tượng vi phạm. Mong CSGT nghiên cứu, áp dụng quy trình dừng xe, xử lý đối với người vi phạm giao thông nhưng không gây nguy hiểm cho lực lượng thi hành công vụ, cũng như hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là về tính mạng cho người đi đường. Nhiều BĐ cũng đề nghị “xử lý hình sự các trường hợp tương tự thì trật tự giao thông mới thực sự đi vào nền nếp, an toàn giao thông được đảm bảo”.
Phải bắt cho được người điều khiển chiếc xe coi thường tính mạng của người khác và coi đây là hành động không chấp hành luật giao thông. Xin hãy tìm cho được những “hung thần xa lộ”.
Nguyễn Duy Long
Với tôi xử lý là cần thiết, nhưng mạng người là không có gì đổi được. CSGT không nên bám theo xe như trong clip (nếu có) vì quá nguy hiểm có thể khiến vụ việc nghiêm trọng hơn.
Bùi Thiện
|
Bình luận (0)