Tuy nhiên, để có được những kết quả ban đầu khá ấn tượng ấy là cả những cuộc đấu tranh không kém phần gay cấn.
“Khi ấy đơn thư rất nhiều”
Bộ Công thương là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ nhiệm kỳ này tiến hành thực hiện tinh gọn bộ máy, thực hiện triệt để Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
tin liên quan
Tập trung làm tốt công tác tinh giản bộ máy: Trên đã ‘nóng’ thì dưới phải quyết liệtBộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh không lâu sau khi nhậm chức (4.2016), đã có những tuyên bố cứng rắn trong công tác cán bộ, cải cách bộ máy, như không có chỗ cho con ông cháu cha nếu không phải là người thực tâm thực tài, đáng chú ý nhất là thông báo sẽ cắt giảm số đơn vị đầu mối từ 35 xuống còn 28 - 30 đầu mối. Những phát ngôn của người đứng đầu Bộ Công thương khi ấy nhận được không ít hoài nghi của dư luận, và ngay cả trong những cán bộ dưới quyền.
Cũng phải mất khoảng 1 năm từ sau những tuyên bố ấy, Bộ Công thương mới ra được nghị định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy. Thời điểm ấy, đây gần như là Bộ cuối cùng trong tổng số 21 bộ, ngành thuộc Chính phủ ra được nghị định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ. Song bù lại, Nghị định 98 ban hành ngày 18.8.2017 đã cụ thể hóa cho những tuyên bố từng gây nghi ngờ. Điển hình nhất là việc số đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương được thu gọn từ 35 xuống còn 30 đơn vị. Tính sơ sơ, đã có 5 thủ trưởng phải chấp nhận rời ghế người đứng đầu đơn vị. Trong đó, đáng chú ý là việc giải tán Tổng cục Năng lượng, thì người đứng đầu tổ chức này vô hình trung “bị giáng 2 cấp” - từ tổng cục trưởng xuống giữ chức phụ trách vụ. Chưa kể, đi cùng với đó là hàng chục lãnh đạo cấp phòng trong các vụ, cục cũng bị dôi dư khi sáp nhập.
Một cán bộ Bộ Công thương kể: Hà Nội khi đó là những ngày thu mát trời, nhưng bên trong hàng rào số 54 Hai Bà Trưng - trụ sở chính của Bộ Công thương là một không khí khá... ngột ngạt. Những tuyên bố kiểu như “đoàn kết nội bộ”, “thống nhất cao” trong Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ được phát đi, nhưng cũng không thể xua tan hết tâm lý khá nặng nề đang phủ bóng lên nhiều cán bộ công chức.
Những đơn thư tố cáo ẩn danh lẫn khuyết danh được phát đi nhiều nơi. Phó ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình mới đây cũng đã kể lại rằng: “Khi ấy đơn thư rất nhiều”. Những cán bộ làm công tác tổ chức, công đoàn được lãnh đạo Bộ cử đi nắm tâm tư, tình cảm của người lao động. Nhưng chưa hết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phải viết “tâm thư” gửi đến toàn bộ nhân viên dưới quyền để trấn an, động viên người lao động với rất nhiều “lời hịch” kêu gọi sự đồng lòng, chung tay của tất cả để công việc không bị chậm lại.
Cảm nhận được những khó khăn, thách thức của Bộ kinh tế lớn nhất, nên trong nửa cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có sự quan tâm đặc biệt với ngành công thương khi liên tục vừa trực tiếp xuống làm việc, rồi sau đó là cử tổ công tác của Thủ tướng xuống ngồi cùng lãnh đạo cao nhất của bộ này để chia sẻ và khích lệ. Và dù trải qua không ít sóng gió, nhưng kết quả cuối năm cũng đã cho quả ngọt bước đầu. “Bộ Công thương là bộ đi đầu, làm tốt nhất công tác cải cách bộ máy và thủ tục hành chính với tinh thần dũng cảm, không ngại va chạm”, đó những lời phát biểu của Thủ tướng tại lễ tổng kết năm 2016 của ngành công thương vào đầu tháng 1.2017.
tin liên quan
Tập trung làm tốt công tác tinh giản bộ máy: Chắt chiu những cách làm mớiCó hàm nhưng không có chế độ
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay chưa có quy định của pháp luật về số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc bộ, ban, ngành T.Ư. Tuy nhiên, với mong muốn đột phá trong sắp xếp bộ máy, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã ban hành Nghị quyết về số lượng lãnh đạo cấp phòng.
Theo đó, phòng có dưới 10 biên chế chỉ bố trí 1 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng. Phòng có từ 10 biên chế trở lên được bố trí 1 trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng. Nghị định 98 giúp số lượng phòng tại các đơn vị của Bộ đã giảm tới 72 phòng, tương đương 36,5% (từ 197 còn 125).
Thế nhưng, trước đó, quá trình sáp nhập các cục, vụ phần nào khiến số lượng phòng trong mỗi đơn vị tăng đáng kể. Như tại Văn phòng bộ, sau khi sáp nhập Vụ Thi đua khen thưởng, bộ phận Kiểm soát thủ tục hành chính và bộ phận Quốc phòng an ninh, số phòng trong Văn phòng bộ nhảy lên con số 15, trong khi Nghị định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ chỉ cho phép đơn vị này không quá 10 phòng. Điều này dẫn tới việc sáp nhập các phòng lại với nhau là tất yếu nhưng để giải quyết con số 15 trưởng phòng “co” về 10 phòng thì gian nan hơn gấp bội, chưa kể số phó vụ trưởng, phó văn phòng đang dôi dư bị “dồn toa ngược”.
“Có phó văn phòng, phó vụ trưởng phải xuống trưởng phòng, trưởng phòng thì xuống phó phòng, còn phó phòng xuống chuyên viên, thậm chí trưởng phòng cũng có trường hợp xuống chuyên viên”, Chánh văn phòng Trần Hữu Linh nói.
Tuy nhiên, theo ông Linh, cán bộ đang làm tốt nhiệm vụ thì chỉ vận động chứ không thể “ép” họ xuống chức. Do vậy, để giải quyết tình trạng thừa cấp trưởng phòng, Ban Cán sự Đảng cho phép một số trường hợp được giữ hàm trưởng phòng nhưng không được hưởng chế độ (0,6).
Bình luận (0)