Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, trẻ em mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay, 8.9, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, tính đến đầu tháng 9, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), thông tin thêm: Trẻ em bị lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến sáng nay, tại TP.HCM, số trẻ em mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 3.000 em. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng do có cha mẹ tử vong vì Covid-19, hiện 250 em mồ cô cha mẹ. Còn tại Hà Nội, số trẻ mắc Covid-19 từ 0-5 tuổi chiếm 5% số ca mắc. “Rất may chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong là trẻ em”, ông Nam cho biết.
100% người dân trên 18 tuổi ở 8 quận huyện của TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19. Trưa 8.9, theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên của 8 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19. Cụ thể, 8 quận huyện đạt tỷ lệ 100% tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi gồm: Q.7 (tổng số dân trên 18 tuổi là 238.290 người); Q.Phú Nhuận (131.601 người); Q.6 (178.873 người); Q.1 (174.939 người); Q.5 (133.521 người); Q.11 (173.600 ngươi); H.Củ Chi (319.115 người) và H.Cần Giờ (59.314 người). Bên cạnh đó, một số quận huyện có tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin mũi 1 còn thấp như: Q.Tân Bình, đạt 62,71% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 379.401 người; Q.8 đạt 72,99%; Q.Bình Tân đạt 76,29%... Từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (từ ngày 8.3.2021) đến hết ngày 7.9 đã tiêm được 6.884.159 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó 708.646 người tiêm mũi 2.
Hải Phòng đồng loạt tiêm vắc xin Sinopharm mượn của TP.HCM. Sáng 8.9, UBND TP.Hải Phòng bắt đầu tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay ở thành phố này. Theo ông Phạm Huy Thục, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, đợt này TP.Hải Phòng tiêm 500.000 liều Sinopharm mũi 1 cho người dân. Đây là số vắc xin được TP.HCM cho TP.Hải Phòng mượn. "Vào tối 6.9, 120.000 liều vắc xin Sinopharm đã được chuyển từ TP.HCM ra Hải Phòng để triển khai tiêm vào sáng nay, 8.9. Số còn lại (trong số 500.000 liều) sẽ được chuyển dần ra. Vào hôm qua, 7.9, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã có thư cảm ơn TP.HCM về việc đã cho TP.Hải Phòng mượn vắc xin và ngỏ ý nếu có thể, TP.HCM cho TP.Hải Phòng mượn thêm 500.000 liều nữa", ông Phạm Huy Thục chia sẻ. Được biết, đến hết ngày 7.9, tại các khu, cụm công nghiệp của TP.Hải Phòng, đã có 113.856 công nhân, cán bộ (chiếm 67%) đăng ký tiêm vắc xin Sinopharm. Trong khi đó, tại các quận, huyện có 112.000 người dân đăng ký tiêm.
Đà Nẵng tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trong tháng 9. Sáng 8.9, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, cho biết với 400.000 liều vắc xin đang về, Đà Nẵng đặt mục tiêu tiêm bao phủ vắc xin mũi 1 cho người dân trên toàn TP. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, những ngày tới, Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 400.000 liều vắc xin với nhiều chủng loại để tăng cường chiến dịch bao phủ vắc xin Covid-19 cho người trong độ tuổi tiêm vắc xin (trên 18 tuổi). Trong đó, bao gồm khoảng 200.000 liều vắc xin AstraZeneca, 200.000 liều Sinopharm. Theo bác sĩ Thạnh, hiện Đà Nẵng đã tiêm vắc xin mũi 1 cho hơn 300.000 người, bao gồm lực lượng tuyến đầu và các nhóm đối tượng ưu tiên. Hơn 400.000 liều vắc xin sắp về sẽ đảm bảo tiêm gọn trong tháng 9, cộng thêm tỷ lệ vắc xin dự phòng sẽ tiến đến nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 ở địa phương lên 100%, với khoảng gần 800.000 người.
Bình Dương đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết đơn vị này đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Về cơ sở để đề xuất tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi, ông Chương cho biết hiện nhiều nước trên thế giới đã tiêm cho độ tuổi này và theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin, có thể tiêm cho người ở độ tuổi này. Ông Chương cho biết thêm có nhiều loại vắc xin có thể tiêm cho người ở độ tuổi nêu trên. Sáng 8.9, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương xác nhận đơn vị này đã nhận, nhập kho 302.250 liều vắc xin Covid-19, trong đó có 146.250 liều vắc xin Pfizer, còn lại là AstraZeneca.
Hợp tác thử nghiệm và chuyển giao thuốc điều trị Covid-19 của Pháp. Ngày 6.9, Bộ Y tế có buổi làm việc trực tuyến với Công ty Xenothera (Pháp) về hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 do Công ty nghiên cứu và phát triển. Hỗn dịch truyền XAV-19 là kháng thể đa dòng chuyên điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 thể trung bình, được Xenothera phát triển dựa trên công nghệ sản xuất kháng thể bản quyền của hãng, kết hợp giữa bí quyết trong các lĩnh vực di truyền học và miễn dịch học. Đặc tính đa dòng của thuốc XAV-19 được ghi nhận có hiệu quả chống lại các biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện đến thời điểm này. Chủ tịch Xenothera cho biết hãng sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam và bày tỏ thiện chí trong việc trao đổi sâu hơn về việc chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể chủ động sản xuất trong tương lai.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Lâm Đồng thiết lập đường dây nóng miễn phí hỗ trợ người dân phòng, chống dịch Covid-19. Sáng 8.9, ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đồng, cho biết từ 12 giờ ngày 8.9, tỉnh Lâm Đồng chính thức đưa Tổng đài đường dây nóng 1022 hoạt động để hỗ trợ người dân phòng, chống dịch Covid-19; người dân được miễn phí tất cả cước cuộc gọi đến. Theo ông Hải, đường dây nóng 1022 này ngoài phục vụ cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 còn kết nối cơ quan nhà nước với người dân hỗ trợ trên 4 lĩnh vực. Cụ thể về y tế, hỗ trợ thông tin, tư vấn tình trạng sức khỏe; lĩnh vực LĐ-TB-XH, phản ánh việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; lĩnh vực công thương, phản ánh về giá cả thị trường, hàng hóa thiết yếu; lĩnh vực giao thông vận tải, phản ánh các vấn đề về giao thông, đi lại, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận (0)