Tổ quốc trường tồn trong trái tim Việt

30/04/2020 04:30 GMT+7

Đứng trước những vấn đề thiêng liêng như chủ quyền, sự hưng thịnh của đất nước, tất cả chúng ta đều là người Việt , bất kể mọi khác biệt, ở trong hay ngoài nước...

Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), đã chia sẻ cảm nhận như trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chặng đường đồng hành của người Việt trong và ngoài nước cùng xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Một Việt Nam rất bao dung và chia sẻ

Trong đại dịch Covid-19, nhiều kiều bào đã chung tay hỗ trợ trong nước đối phó với “kẻ thù vô hình”, từ việc quyên góp vật chất, đến hiến kế chống dịch. Ủy ban đã ghi nhận được những hỗ trợ gì từ người Việt ở nước ngoài?

Ông Lương Thanh Nghị - Ảnh: Hoàng Trường

Trong đợt đại dịch Covid-19 này, bà con kiều bào đã thể hiện đúng tinh thần tương thân tương ái, dù cũng phải vật lộn, chống chọi với dịch ở nước sở tại.
Tổng cộng đến giờ, bà con đã hỗ trợ trong nước 33 tỉ đồng tiền mặt. Về hiện vật, thì như chúng ta đã biết, GS Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, đã quyết định chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở dành riêng cho Việt Nam, do ông thiết kế.
Chị Nguyễn Thị Minh Hồng ở Frankfurt (CHLB Đức) thì hỗ trợ lắp đặt 2 phòng áp lực âm ở khu cách ly Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Chị ấy dự kiến sẽ lắp đặt tiếp ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng.
Ngoài hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ trong nước, rất nhiều bà con còn hỗ trợ chính quyền và người dân sở tại, bằng việc mua nước tiệt trùng, sát khuẩn, quần áo bảo hộ… tặng lực lượng chống dịch. Người Việt ta khéo tay, tháo vát, xoay xở trong các tình huống rất tốt, nên đã mua vải tự may khẩu trang để tặng mọi người trong lúc khan hiếm.
 

Mẫu số chung của người Việt chúng ta là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Đó là lịch sử mấy nghìn năm, chứ không phải bây giờ mới có

Nhiều nhà hàng người Việt ở Mỹ, Ba Lan, Úc... nấu suất ăn tặng bác sĩ ở các bệnh viện. Những hành động đó đã thể hiện một Việt Nam rất bao dung và chia sẻ, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam ở các nước. 
Trong những chặng đường lịch sử, người Việt ở nước ngoài đã đồng hành với đất nước như thế nào, đâu là những dấu ấn chủ đạo, thưa ông?
Cho đến nay, như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói đóng góp của kiều bào với đất nước là không thể đong đếm được, trải trên tất cả các lĩnh vực, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc, đến phát triển KT-XH, KH-CN, văn hóa - nghệ thuật
Từ đầu thế kỷ 20, khi Bác Hồ cũng như nhiều lão thành cách mạng Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, đã được sự đùm bọc, giúp đỡ rất lớn của kiều bào ở Pháp, Thái Lan, Trung Quốc... Trong những giai đoạn biến động, khó khăn nhất, chúng ta vẫn nhận được sự hỗ trợ của người Việt ở nước ngoài. Từ năm 1975 - 1986, thậm chí đến đầu những năm 1990, chúng ta thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thiết bị y tế... các hội đoàn người Việt ở nước ngoài đã quyên góp tiền mua thiết bị gửi về nước. Các kiều bào có uy tín thì đi xin rất nhiều học bổng của các trường để đưa học sinh, sinh viên Việt Nam trong nước ra nước ngoài học tập… Những hỗ trợ đó đã phần nào giúp Việt Nam đi qua được những ngày khó khăn nhất.
Hay đơn cử, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng có 4 người Việt đóng góp rất tích cực, là GS Trần Văn Thọ ở Nhật, PGS Vũ Minh Khương ở Singapore, GS Nguyễn Đức Khương ở Pháp và GS Trần Ngọc Anh ở Mỹ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ kiều bào trong chương trình Xuân quê hương 2020 Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ kiều bào trong chương trình Xuân quê hương 2020

Ảnh: TTXVN


Hòa hợp là truyền thống của dân tộc
Đã nhiều năm nay, chúng ta nhắc đến hòa hợp dân tộc, mong người Việt ở khắp nơi trên thế giới hướng về một mục tiêu là xây dựng Việt Nam giàu mạnh. Trên chặng đường đó, chúng ta đã đạt được những gì?
Hòa hợp dân tộc không phải là câu chuyện sau năm 1975 đâu, mà là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngay trong thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ từng nói “ngón tay có ngón vắn ngón dài, nhưng tất cả hợp lại ở một bàn tay”, thể hiện tinh thần tôn trọng sự khác biệt, và là nền tảng của đại đoàn kết dân tộc.
Năm 1993, lần đầu tiên quan điểm coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam được ghi trong văn kiện của Đảng - đánh dấu một bước ngoặt rất lớn về tư duy, nhận thức. Sau đó, cả trong các văn bản luật, trong những hành động thực tế, Việt Nam đều cho thấy chúng ta không phân biệt người trong và ngoài nước.
Hay những việc làm tuy nhỏ thôi, nhưng ý nghĩa rất lớn, là năm 2005, chính quyền đã chuyển Nghĩa trang Bình Dương trước đây của quân đội VNCH thành Nghĩa trang nhân dân Bình An, hoạt động theo quy chế nghĩa trang dân sự, nghĩa là thân nhân có thể đến bất cứ lúc nào để thăm viếng, tu sửa mộ phần.
Từ đầu năm 2000, chúng ta tăng cường tiếp xúc, đối thoại với rất nhiều nhân vật từng làm việc trong chế độ VNCH trước đây, như mời ông Nguyễn Cao Kỳ, tướng Đỗ Mậu về nước; hay nhạc sĩ Phạm Duy đã về định cư ở Việt Nam. Những hành động như vậy, và chính sự phát triển ở trong nước, đã xua bớt đi rất nhiều những nghi kỵ, những định kiến, thù địch của quá khứ.

“Không đâu dễ làm chúng ta xúc động hơn Trường Sa”

Với thách thức về chủ quyền mà chúng ta phải đối mặt hiện nay trên Biển Đông, kiều bào có thể làm gì để chung tay với người dân trong nước?
Tôi nghĩ mọi người cảm thấy rõ nhất việc chúng ta là người Việt, là khi nhắc đến chủ quyền. Từ năm 2012, chúng ta tổ chức cho bà con kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, đến nay đã có 9 chuyến đi, với hơn 500 người Việt ở nước ngoài về nước tham dự.
Không có câu trả lời nào hay hơn cho những thông tin cho rằng ta “bán đất, bán đảo”, “làm gì còn đảo nữa”, là cho bà con thấy tận mắt. Bước lên những hòn đảo thừa nắng gió, gặp gỡ các chiến sĩ chỉ bằng tuổi con, cháu mình mà sạm nắng, đen trũi, bà con ai cũng khóc. Không đâu dễ làm chúng ta xúc động hơn ở Trường Sa. Cảm giác 1 cây phong ba, 1 cái lá bàng vuông cũng rất kiên cường.
Nhiều người trước đây có cái nhìn, phát biểu cực đoan về đất nước, như ông Nguyễn Ngọc Lập và ông Nguyễn Trọng Đức, người đã từng phục vụ trong quân đội VNCH, sau đó đã thay đổi thái độ. Sau mỗi chuyến đi, trong tâm thức của kiều bào luôn có suy nghĩ phải làm gì đó cho Trường Sa. Các bác ấy thậm chí gửi tiền về mua sấu tươi gửi ra đảo.
Đến nay, bà con đã đóng được 1 cái xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỉ đồng, đóng góp bằng hiện vật, vật chất khoảng 10 tỉ đồng, nhưng quan trọng là tình cảm. Đi Trường Sa về rồi thấy Trường Sa không xa nữa. Bà con người Việt ở nước ngoài cũng là một nguồn rất tốt để mang quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đến với cộng đồng quốc tế. Khoảng cách giữa trong và ngoài nước như bị xóa bỏ. Đứng trước vấn đề thiêng liêng như chủ quyền, chúng ta chỉ còn là người Việt.
Cuộc chiến tranh đã chia rẽ chúng ta bằng hàng vạn tấn bom, bằng nhiều triệu mạng người. Đến hôm nay, trong mỗi gia đình vẫn còn hằn những vết thương. Theo ông, điều gì giúp chúng ta có sức mạnh vượt qua những tổn thương đó để hòa hợp, hàn gắn và cùng nhau phát triển đất nước thịnh vượng?
Chúng ta biết rằng mình chưa đi được đến cuối của chặng đường hàn gắn, mới là “xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Hiện vẫn có bộ phận người Việt ở đâu đó còn nghi kỵ, định kiến.
Hậu quả của chiến tranh rất tàn khốc, chưa nói về KT-XH, mà nó gây ra sự ly tán giữa các gia đình, sự nghi kỵ, hận thù. Để vượt qua điều đó là vượt qua chính bản thân mình, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Chúng ta không mong nói hàn gắn là hàn gắn, là không còn quá khứ khốc liệt đó nữa. Nhưng chúng ta hàn gắn bằng sự thực tâm và chân thành, bằng tôn trọng sự khác biệt, miễn sao không đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc. Mẫu số chung của người Việt chúng ta là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là lịch sử mấy nghìn năm, chứ không phải bây giờ mới có. Những thành tựu KT-XH trong nước cũng là nguồn động viên, khuyến khích bà con trở về.
Đến với nhau bằng sự chân thành và cho nhau thấy rằng có niềm hy vọng, đó là con đường để chúng ta cùng nhau hướng tới tương lai.
Theo thống kê của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, từ 1990 - 2019, tính lũy kế, kiều bào đã gửi về nước 160 tỉ USD. Hiện nay, có 5,3 triệu kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 1,5 triệu người được hưởng quy chế miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam.
Hiện có trên 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký khoảng 4 tỉ USD, phân bổ ở 53 địa phương khác nhau, ở những ngành nghề, lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm, có đóng góp cho kinh tế địa phương. Mỗi năm có 400 - 500 lượt trí thức người Việt về nước cộng tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các bộ, ngành địa phương.
Rất nhiều kiều bào trẻ của chúng ta thành danh về chính trị ở nước ngoài, như Stephanie Murphy là nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên của Mỹ; Stéphanie Đỗ, nghị sĩ Pháp, Chủ tịch Hội Nghị sĩ Pháp - Việt; hay Lê Văn Hiếu là người Việt đầu tiên được bầu làm Thống đốc bang Nam Úc từ 2014.
Xin cảm ơn ông!
 

Không phải lúc nào khác biệt cũng là thù địch

Ảnh: Q.V

Với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, chúng ta luôn coi kiều bào là một bộ phận của dân tộc mình, nên đã có rất nhiều chủ trương hướng bà con về quê hương đất nước. Chúng ta tạo ra khung chính sách đại đoàn kết, hòa giải, hòa hợp dân tộc, để vượt qua những khác biệt trong chiến tranh, để cùng nhau gắn bó với đất nước, xây dựng quê hương.
Chúng ta phải tạo ra không gian thấu hiểu và chia sẻ sự khác biệt. Đó là chuyện lớn lắm. Rõ ràng, không phải lúc nào khác biệt cũng là thù địch. Hiểu được điều đó rất quan trọng. Chúng ta lắng nghe để thấy chất xây dựng trong đó.
Ông Phạm Quang Vinh (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ)
Vũ Hân (ghi)

Càng khó khăn, người Việt Nam càng gắn kết

Ảnh: L.H

Tôi nhớ một giáo sư người Mỹ đã nhận định, rằng “dường như người Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn, cường quyền”. Càng khó khăn, người Việt Nam lại càng gắn kết và chia sẻ với nhau.
Với tinh thần đó, 45 năm qua, chúng ta đã từng bước hàn gắn những đau thương, đổ nát của một đất nước bước ra từ chiến tranh để hướng tới xây dựng một đất nước không chỉ độc lập, tự chủ mà còn phát triển. Người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước vẫn đang cùng thể hiện trách nhiệm, kỷ luật và tinh thần chia sẻ để cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19. Chúng ta có hàng loạt câu chuyện cảm động về sự sẻ chia. Chính sự đoàn kết, sẻ chia dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, là điều đã tạo nên tinh thần kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn của người Việt hàng ngàn năm qua.
GS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Lê Hiệp (ghi)

Hào hứng về nước để khởi nghiệp

Ảnh: L.H

Trong 45 năm qua, với rất nhiều cố gắng, chúng ta đã thấy có những chuyển biến đáng kể trong cách nhìn của người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, dù vẫn còn phải có nhiều cố gắng của cả hai bên để hiểu nhau và đến với nhau. Điều này càng thấy rõ ở thế hệ trẻ, kể cả các bạn từ trong nước đi du học, làm việc ở nước ngoài hay các bạn là con em đồng bào đang định cư tại các nước. Nhiều bạn trẻ được đào tạo ở nước ngoài đã có việc làm ổn định hoặc cơ hội việc làm tốt ở nhiều nước phát triển nay cũng đang hào hứng về nước để khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Bình (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài)
Lê Hiệp (ghi)

Chính sách đã thoáng hơn rất nhiều

Ảnh: Sỹ Đông

Về nước từ năm 2008 đến nay, tôi thấy chính sách thu hút đầu tư của các địa phương và Chính phủ hỗ trợ cho Việt kiều đã thoáng hơn rất nhiều về nhà ở, gia hạn visa, thuế. Nhiều người đang ở một nơi tốt hơn nên khi về nước thấy có thể cảm thấy nhiều thứ chưa như kỳ vọng.
Tôi cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư bởi có các điều kiện thuận lợi như thị trường hơn 90 triệu dân, phần lớn là người trẻ, chi phí đầu tư thấp hơn các quốc gia lân cận.
Ông Danny Võ Thành Đăng (Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài)
Sỹ Đông (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.