Tổ y tế đặc biệt đầu tiên gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

18/05/2019 05:15 GMT+7

Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đã cùng với chuyên gia nước bạn triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác .

Theo thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đã cùng với chuyên gia nước bạn triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết, vào tháng 5.1967, sau sinh nhật lần thứ 77, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có phiên họp bất thường do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Lê Duẩn chủ trì.
“Hội nghị bàn về 2 việc quan trọng. Thứ nhất là tiếp tục bằng mọi cách giữ gìn sức khỏe cho Bác. Thứ hai là không thể tránh quy luật của cuộc sống, Bộ Chính trị quyết định chuẩn bị nhiệm vụ tổ chức lễ quốc tang và giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời”, tướng Kiếm kể.

Tổ y tế đặc biệt

Theo lời ông Kiếm, sau khi quyết định sẽ gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu dài, hội nghị cũng đã quyết định: phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, nếu không nhân dân sẽ lo lắng, Bác sẽ phê bình, không đồng ý cho triển khai thực hiện chủ trương này. Đồng thời, phải chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Bộ Chính trị nhất trí giao Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm nhiệm vụ đặc biệt này.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị và thỏa thuận với Đảng và Chính phủ Liên Xô, Ban Tổ chức T.Ư quyết định triệu tập 3 người: thiếu tá - bác sĩ (BS) Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108; BS Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm khoa Nội tiết, Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BS Lê Điều, Chủ nhiệm khoa Ngoại BV Việt - Xô, sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. BS Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm tổ trưởng. “Sau 7 tháng miệt mài học tập, các BS trong đoàn đã nắm vững những kiến thức chuyên môn. Phía bạn đánh giá rất cao kết quả học tập của đoàn. Ngày 7.4.1968 khóa học kết thúc, 3 BS trở về nước”, ông Kiếm nói.
Tới tháng 6.1968, theo đề nghị của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức T.Ư quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y viện 108 và điều động các BS Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt. Tổ thuộc biên chế của Quân y viện 108 khi đó gồm 6 người: thiếu tá - BS Nguyễn Gia Quyền, đại úy - BS Lê Ngọc Mẫn, thượng úy - BS Lê Điều, thiếu úy - BS Nguyễn Văn Châu, y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm. BS Quyền được Ban Tổ chức T.Ư chỉ định là tổ trưởng. Tổ y tế đặc biệt đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Lương Bằng.
Theo thiếu tướng Kiếm, cùng lúc với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng chỉ đạo khẩn trương xây dựng một công trình bí mật mang mật danh 75A ở ngay sau Nhà tang lễ Quân y viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. T.Ư Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi quàn thi hài Bác để nhân dân và bạn bè quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang. Công trình được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện.
Ngày 23.8.1969, thấy tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến xấu hơn, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng đã điện thông báo cho T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị cử đoàn chuyên gia y tế làm công tác giữ gìn thi hài sang VN. 5 ngày sau, đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 5 người đã đến Hà Nội, kiểm tra ngay công tác chuẩn bị của VN và rất hài lòng về những việc VN đã làm.
Tuy nhiên, theo thiếu tướng Kiếm, khoa học giữ gìn thi hài là một lĩnh vực mới, hết sức khó khăn, phức tạp. Với VN, một quốc gia ở vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, không thuận lợi trong việc bảo quản thi hài như ở Liên Xô. Thêm nữa, kinh tế VN khi ấy còn nghèo, lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, khó khăn càng lớn hơn gấp bội. “Sau lễ quốc tang, Liên Xô từng đề xuất đưa thi hài Bác về nước bạn để giữ gìn nhưng ta quyết tâm giữ gìn tại VN. Nghĩa là cơ sở hạ tầng, con người nhất định phải đáp ứng được”, tướng Kiếm kể.
Chuyện về Tổ y tế đặc biệt đầu tiên gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ ChíMinh1
Kỹ thuật viên Đội y tế đặc biệt, Viện 69 (đơn vị chuyên ngành, được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) chuẩn bị làm thuốc thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2017 Ảnh: Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

8 tháng đầu gìn giữ thi hài Bác

Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đã cùng với chuyên gia bạn triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Đó là một thành tích mà mãi mãi chúng ta có quyền tự hào

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2.9.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Tướng Kiếm kể: theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y viện 108. Các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của VN bắt đầu công việc. “Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời. Sau gần 3 giờ làm việc liên tục, các chuyên gia Liên Xô và VN hoàn thành công việc”, tướng Kiếm kể.
Từ trưa hôm đó tới hết ngày 5.9.1969, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt thay phiên nhau làm việc, đạt kết quả bước đầu, bảo đảm có thể đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tổ chức lễ viếng. 20 giờ ngày 5.9, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về Hội trường Ba Đình để tổ chức lễ quốc tang. Sau lễ truy điệu được cử hành vào ngày 9.9.1969 tại Quảng trường Ba Đình, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về công trình 75A chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài.
Lúc ấy, lo ngại chiến tranh leo thang nên ngoài việc củng cố xây dựng công trình 75A, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư chỉ thị phải xây dựng một công trình khác giống như 75A nhưng phải ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư đã chọn khu vực K9 là nơi xây dựng công trình dự phòng. Ngày 15.12.1969, công trình K9 hoàn thành và được đổi tên thành K84. Tới 23 giờ ngày 23.12.1969, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84.
Vào ngày 16.2.1970, để thống nhất công tác quản lý, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Đoàn 69 trên cơ sở Tổ y tế đặc biệt. BS Nguyễn Gia Quyền làm đoàn trưởng, ông Nguyễn Văn Hanh làm chính ủy. Đoàn 69 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 5.1970, giai đoạn tiến hành kỹ thuật cơ bản để giữ gìn lâu dài thi hài Bác đã hoàn thành. Ngày 23.5.1970, Đảng, Chính phủ Liên Xô đã cử một phái đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu sang kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giữ gìn thi hài Bác. Hội đồng khoa học quốc tế gồm các nhà khoa học Liên Xô và VN được thành lập.
Sau khi kiểm tra, hội đồng kết luận: qua 8 tháng bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, lại phải thực hiện di chuyển xa, nhưng thi hài Bác vẫn được giữ gìn rất tốt, phù hợp với hình thế và những nét đặc trưng của cơ thể lúc Bác còn sống. Công tác kỹ thuật giữ gìn thi hài Bác tới lúc này đã đạt được kết quả như mong muốn. Khi cần có thể tổ chức cho nhân dân và bè bạn quốc tế tới thăm viếng. Thi hài Bác có đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài.
Vị Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hay, những kết quả bước đầu này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là cơ sở quyết định cho việc thực hiện thành công việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo. “Tổ y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đã cùng với chuyên gia bạn triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Đó là một thành tích mà mãi mãi chúng ta có quyền tự hào”, ông Kiếm khẳng định. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.