Tòa án tối cao hướng dẫn xử lý hành vi dâm ô trẻ em

13/08/2019 14:47 GMT+7

Dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo, quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em không nhằm quan hệ tình dục, đều coi là dâm ô .

TAND Tối cao vừa gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật Hình sự về tội phạm xâm hại tình dục, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Dự thảo này dành một số điều để giải thích từ ngữ liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Theo đó, xâm hại tình dục trẻ em là hoạt động tình dục xâm hại trẻ em, hoặc dụ dỗ, tổ chức cho trẻ em tham gia hoạt động tình dục. Độ tuổi xác định trẻ em là dưới 16 tuổi. Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện do đồng thuận với trẻ em dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản), hay các lợi ích phi vật chất (cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).
Theo dự thảo, bóc lột tình dục trẻ em là ép buộc, môi giới cho trẻ em bán dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm hoặc làm nô lệ tình dục. Ngoài chỉ rõ “phạm vi” bộ phận sinh dục, dự thảo còn hướng dẫn giải thích thêm các “bộ phận nhạy cảm” bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực. “Bộ phận khác trên cơ thể” là bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập đến “dụng cụ tình dục” là những dụng cụ được sản xuất chuyên dùng cho hoạt động tình dục (dương vật giả, âm hộ giả, âm đạo giả...) và “dụng cụ khác” là những đồ vật không phải là dụng cụ tình dục, nhưng có thể sử dụng cho hoạt động tình dục.
Về tình tiết định tội, dự thảo  Nghị quyết quy định giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
Đối với “hành vi quan hệ tình dục khác” theo quy định trong bộ luật Hình sự, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn là các hành vi: quan hệ tình dục của người cùng giới tính; quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu; quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.
Đáng chú ý, đối với hành vi Dâm ô theo quy định tại khoản 1 điều 146 của bộ luật Hình sự, dự thảo Nghị quyết nêu rõ là một trong các hành vi sau: dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em (vuốt ve, sờ mó, bóp, cấu véo, hôn, liếm) có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục, nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Xét xử các vụ xâm hại tình dục trẻ em phải xét kín, tuyên án công khai
Dự thảo Nghị quyết cũng dành ra một số điều quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non)…
Ngoài ra, dự thảo này cũng đưa ra các quy định áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tòa án các cấp phải thực hiện xét xử kín, tuyên án công khai. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Đồng thời, tòa án phải phân công thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em; khi tham gia xét xử, thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính, không mặc áo choàng.
Tòa án cần thực hiện hạn chế triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh…).
Trường hợp phải triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa, tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.