Toàn lực chống dịch

01/02/2020 06:25 GMT+7

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán .

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của bạn để nắm thông tin cập nhật hằng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh. Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt. Dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch. Cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam có ca bệnh nhiễm virus corona thứ 6 là nữ lễ tân tại Nha Trang

Nghiêm cấm đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang

Việt Nam viện trợ giúp Trung Quốc chống dịch

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch cúm vi rút Corona lan rộng.
Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết cũng đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía bắc cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng. Cùng với đó, cần giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức và yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội. Chỉ thị cũng nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Các bộ, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý việc này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ GD-ĐT được giao chỉ đạo thực hiện nghiêm việc các học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không đến trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn; phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách làm của các nước, đề xuất việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học…
Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu các điều kiện và thủ tục pháp lý, đề xuất việc công bố tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch bệnh này gây ra tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước ngày 2.2.
Nghiêm cấm việc che giấu, hoặc thông tin không đúng về dịch bệnh.

TP.HCM không thiếu tiền, không thiếu khẩu trang để chống virus corona

Kiểm soát nguy cơ lây lan tại Thanh Hóa

Đến ngày 31.1, số lượng bệnh nhân phải cách ly tại tỉnh Thanh Hóa đã tăng lên con số 5. Cùng ngày, nhiều cuộc họp được UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành y tế tổ chức để triển khai cấp bách các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút Corona (nCoV). Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp có sử dụng lao động người Trung Quốc để bàn biện pháp cách ly, giám sát và ngăn ngừa dịch bệnh.
Cũng trong ngày 31.1, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi tập huấn cho gần 800 cán bộ, y bác sĩ của BV này, để các cán bộ, nhân viên y tế nắm rõ về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và phác đồ tiếp nhận, điều trị, chăm sóc khi có bệnh nhân nghi nhiễm nCoV.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, tính đến ngày 31.1, số bệnh nhân liên quan đến nCoV phải cách ly, theo dõi đã tăng lên con số 5 người. Như vậy, ngoài nữ bệnh nhân đã có kết quả dương tính với nCoV, thì hiện có 4 bệnh nhân đang phải cách ly, chờ kết quả xét nghiệm. Đáng chú ý, trong đó có 1 bệnh nhân nữ đang mang thai tuần thứ 29 và 1 cháu bé mới 8 tuổi.
Ngoài ra, ngành y tế Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng các huyện: Nông Cống, Yên Định tổ chức giám sát, theo dõi tổng cộng 47 người từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm nCoV và bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Các trung tâm y tế còn lại trên địa bàn thường trực giám sát, báo cáo nếu phát hiện có người nghi nhiễm, hoặc người từ vùng có dịch trở về.
Ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho hay nữ bệnh nhân nhiễm nCoV sau khi xuống máy bay đã đi xe khách của một nhà xe ở H.Yên Định về nhà. Nhưng các đơn vị y tế chỉ rà soát được 28 người từng tiếp xúc với bệnh nhân này, còn số lượng khách trên chuyến xe đi từ Giáp Bát về H.Yên Định thì không kiểm soát được, cũng không rõ ở đâu.
Tình hình kiểm soát dịch bệnh lây lan tại tỉnh Thanh Hóa ngày càng khó khăn và khó kiểm soát, do số lượng người Trung Quốc hoặc lao động đi làm chui trở về không ít. Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 177 người lao động là người Trung Quốc làm việc ở các doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu kinh tế Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia) có tới 133 người. Do vậy, sau đợt nghỉ tết, số lao động này sẽ quay trở lại làm việc, nên công tác kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn.
Toàn lực chống dịch

Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nơi đang cách ly các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm nCoV

Ảnh: Minh Hải

Ngày 31.1, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải thông tin ngay đến cơ quan chuyên môn, nếu phát hiện người có các biểu hiện nghi nhiễm nCoV. Đồng thời, quán triệt đến từng giáo viên, học sinh chủ động phòng chống dịch bệnh; Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cùng ngày cũng đã ra thông báo đến sinh viên được nghỉ học từ ngày 3 - 9.2, nhằm theo dõi tình hình và phòng tránh lây nhiễm nCoV; tại xã Định Hòa (H.Yên Định, Thanh Hóa), quê của nữ bệnh nhân dương tính với nCoV, chính quyền địa phương và ngành giáo dục đã cho tất cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) của xã này nghỉ học từ ngày 31.1, và chưa xác định thời gian học trở lại, chờ diễn biến của bệnh dịch.

Người nhiễm nCoV điều trị được ngân sách chi trả

Bác bỏ thông tin “phun thuốc trên bầu trời toàn quốc”

Ngày 31.1, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Cả nhà nhắc người thân nếu phải ra đường ngày mai: chiều nay (31.1) Hà Nội sẽ công bố phát dịch Corona, tối nay thời sự sẽ đưa tin về việc đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm Corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau không nên ra đường trong cung giờ từ 4 - 7 giờ 30 sáng mai 1.2.2020”. Ngay trong ngày, đại diện Bộ Y tế khẳng định, các thông tin này là giả mạo và cho biết, ngày 1.2 Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hà Nội sẽ tổng vệ sinh các trường học trên địa bàn.
Cũng trong ngày 31.1, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đã có chỉ đạo tất cả cơ sở y tế trực thuộc khẩn trương và sẵn sàng triển khai khám sàng lọc và thu dung điều trị người bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV. Tổ chức diễn tập quy trình cho nhân viên y tế có tham gia khám, theo dõi, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra tại đơn vị.
PGS-TS Thượng chỉ đạo khi cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh nghi nhiễm nCoV, BV phải tự lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP và gửi mẫu về BV Bệnh nhiệt đới TP (giúp gợi ý chẩn đoán khi chưa có kết quả của Viện Pasteur), hạn chế vận chuyển người bệnh khi chưa cần thiết. Khi người bệnh có diễn biến nặng hoặc xác định là dương tính với nCoV thì chuyển người bệnh đến BV Bệnh nhiệt đới. Trung tâm cấp cứu 115 và các trạm cấp cứu vệ tinh chịu trách nhiệm khám sàng lọc và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu ngoài BV về BV Bệnh nhiệt đới nếu hội đủ các điều kiện theo quy định.
Về chi phí khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân bị nhiễm nCoV, với bệnh nhân có kết quả chẩn đoán xác định nhiễm thì ngân sách chi trả. Đối với bệnh nhân có kết quả chẩn đoán xác định không nhiễm, nếu có tham gia BHYT thì BHXH chi trả theo quy định, nếu không tham gia BHYT thì phải đóng viện phí theo quy định.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.