Toàn lực ứng phó bão số 9

27/10/2020 05:32 GMT+7

Kiệt quệ sau những trận lũ dữ lịch sử chưa kịp hồi phục, các tỉnh miền Trung lại cấp tập triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9, dự kiến đổ bộ ngày 28.10.

Ngày 26.10, tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai với các tỉnh miền Trung về ứng phó bão số 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung tối đa cho công tác ứng phó.

Mùa mưa lũ dị thường ở miền Trung: Nỗi thống khổ chưa hồi kết

Đảm bảo an toàn cho người dân

Dự báo, cơn bão số 9 có cường độ rất mạnh và di chuyển nhanh sắp đổ bộ vào miền Trung trong bối cảnh khu vực này liên tiếp hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác, chủ quan mà tập trung tối đa cho công tác ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Công tác ứng phó bão đảm bảo an toàn cho người ở các tàu, thuyền trên biển, nơi tránh trú bão và đặc biệt trên các lồng, bè khi bão đổ bộ vào khu vực diện tích nuôi trồng rất lớn.
Thủ tướng cũng lưu ý ngay sau bão là ứng phó với mưa lũ khi hiện tại các sông miền Trung đã đầy nước, mưa lớn trở lại lũ lên nhanh, ngập lụt diện rộng uy hiếp đến tính mạng người dân. Theo đó, quân đội và công an phải có lực lượng thường trực, hỗ trợ các địa phương ứng cứu người dân. Đối với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng yêu cầu triển khai các phương án sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn.

Bão số 9 giật cấp 17 đã tấn công đảo Lý Sơn, cuồng phong áp sát miền Trung

Huy động 7 máy bay, 50 tàu chuyên dụng
Ngày 26.10, Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết đến cuối giờ chiều cùng ngày, lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, phòng không - không quân đã huy động gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ và 354 ô tô, phương tiện các loại. Trong đó, Quân chủng Hải quân huy động 7 máy bay; 50 tàu chuyên dụng của hải quân, biên phòng, cảnh sát biển và 105 tàu, xuồng, ca nô cũng đã trực sẵn sàng triển khai ứng phó bão số 9 và cứu hộ cứu nạn.

Người dân xã đảo Tam Hải (Quảng Nam) kéo từng bao cát lên chằng chống nhà cửa trước khi bão số 9 đổ bộ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Trong ngày, Bộ Quốc phòng đã có Công điện số 72 gửi các đơn vị quân đội trong toàn quân yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến bão số 9, mưa lũ do hoàn lưu sau bão. Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại nơi xung yếu; sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố trong mưa bão.

Phú Yên cấp tập đối phó bão số 9 được dự báo rất nguy hiểm

Tối nay, Đà Nẵng cấm người và phương tiện ra đường

Kết luận tại cuộc họp khẩn về chống bão số 9 vào tối 26.10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Chủ tịch UBND TP ban hành lệnh thông báo về việc cấm người dân và các phương tiện không được lưu thông trên đường từ tối nay (27.10).
Đường đi bão số 9, lúc 23 giờ ngày 26.10 Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Đường đi bão số 9, lúc 23 giờ ngày 26.10

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

“Sau khi đảm bảo các điều kiện thì UBND TP lựa chọn một thời điểm cụ thể để yêu cầu rõ người dân không được đi ra đường. Các phương tiện không được lưu thông trừ các phương tiện đang làm nhiệm vụ. Trên cơ sở đó mới có thể kiểm soát tốt tình hình”, ông Quảng nhấn mạnh và đề nghị lập danh sách lực lượng ứng trực các địa phương và lực lượng cứu hộ để khi xảy ra các tình huống thì có đầu mối chỉ đạo.
Các địa phương tại Đà Nẵng cũng đã rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán theo phương án. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8 - 11 là hơn 72.000 người; dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 12 - 13 là gần 141.000 người. Theo công điện của UBND TP.Đà Nẵng, trước 15 giờ hôm nay, công tác chống bão số 9 sẽ phải hoàn thành.

Người Đà Nẵng mất ăn mất ngủ, tất tả chống bão số 9

Cũng trong sáng qua, tại cuộc họp khẩn cấp của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các địa phương chủ động đánh giá địa hình nguy hiểm, có khả năng tác động đến an toàn của người dân để có phương án chủ động triển khai khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các hồ chứa thủy lợi, có phương án nếu hồ đập không an toàn thì phải có phương án sơ tán dân. Không để tình trạng sơ tán dân mà không kiểm soát, dẫn đến việc họ đến nơi ở mới không đảm bảo, rồi quay về chỗ cũ. Hệ thống thủy điện được yêu cầu căn cứ vào tình hình có phương án vận hành, trong 36 giờ tới phải đưa mực nước hồ về mức thấp nhất trước lũ có thể để đảm bảo an toàn...

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, hiện tỉnh này có 163 tàu cá với 962 lao động đang hoạt động ở vùng biển giữa Biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa, 124 tàu cá với 570 lao động đang hoạt động gần bờ ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Tất cả tàu cá hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc về gia đình và bộ đội biên phòng.
Người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm bờ chắn sóng tạm phòng bão số 9 ẢNH: N.MINH

Người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm bờ chắn sóng tạm phòng bão số 9

ẢNH: N.MINH

Tương tự, trưa 26.10, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký công điện hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng các huyện, thị xã, TP nghiêm cấm tất cả phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (cả tàu vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20 giờ ngày 26.10, cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đến sáng 26.10, tỉnh này có 139 tàu cá trong vùng biển nguy hiểm của bão số 9. Tại khu vực vịnh Quy Nhơn có 76 tàu vận tải đang hoạt động. Tại khu vực cảng Quy Nhơn có 13 tàu lai (thuộc Công ty CP cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH VTB Cửu Long) có khả năng tham gia công tác ứng phó thiên tai. Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, cho biết đơn vị này đã làm việc với các tàu vận tải biển hoạt động ở vịnh Quy Nhơn, yêu cầu đưa tàu vào vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa để tránh bão. Đến chiều 26.10, tại vịnh Quy Nhơn còn lại 47 tàu vận tải biển. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn sẽ tiếp tục vận động, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam của vịnh Quy Nhơn để tránh bão. Trước khi bão đổ bộ, khu vực vịnh Quy Nhơn sẽ còn 30 tàu vận tải neo đậu trú bão tại đầm Thị Nại.
Trước tình hình này, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định khu vực đầm Thị Nại chỉ đủ sức cho 30 tàu vận tải biển vào neo đậu an toàn, nếu nhiều hơn sẽ không đủ chỗ và dễ xảy ra va quệt gây hư hỏng. Do đó, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn phải tiếp tục làm việc, đấu tranh với các chủ tàu, yêu cầu các tàu đi vào vùng biển phía nam vịnh Quy Nhơn để tránh bão. Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng sơ tán người dân sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn ngay trong ngày 27.10; hộ nào không chịu di dời thì phải cưỡng chế; dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đối phó với mưa bão dài ngày, chấm dứt tình trạng “sáng mưa, chiều ngập, tối kêu cứu”.

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Đề xuất cấp bổ sung 6.500 tấn gạo cho 4 tỉnh miền Trung

Ngày 26.10, Bộ LĐ-TB-XH đã có tờ trình gửi Thủ tướng về việc hỗ trợ bổ sung gạo cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ tại 4 tỉnh miền Trung.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai và để bảo đảm đời sống cấp bách của nhân dân, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và đề nghị hỗ trợ gạo bổ sung của UBND 4 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam), Bộ LĐ-TB-XH trình Thủ tướng quyết định cấp bổ sung thêm 6.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, mưa lũ. Trong đó, cấp cho Quảng Bình 2.500 tấn, Quảng Trị 2.000 tấn, Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn và Quảng Nam 1.000 tấn. Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh tiếp nhận số gạo được cấp, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và gửi báo cáo kết quả thực hiện cứu trợ gạo cho người dân về Bộ LĐ-TB-XH.
T.Hằng

Chó nghiệp vụ biên phòng bắt đầu tìm kiếm ở Rào Trăng 3

Chó nghiệp vụ biên phòng bắt đầu tìm kiếm ở Rào Trăng 3

Chiều qua (26.10), phân đội chó nghiệp vụ của Trường trung cấp 24, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BTL BĐBP) gồm 10 cán bộ chiến sĩ và 3 chó nghiệp vụ, do thượng tá Nguyễn Trung Kiên (Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi - Trường trung cấp 24 BTL BĐBP) chỉ huy đã có mặt tại hiện trường vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Đây là phân đội đã hoạt động rất hiệu quả tại tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), tìm kiếm thành công 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh do sạt lở núi tại đây. Phân đội đã hành quân từ Trường trung cấp 24 (đóng quân tại xã Vật Lại, H.Ba Vì, TP.Hà Nội) vào TP.Huế từ đêm 24.10, nhưng do mưa lớn không thuận lợi cho công tác tìm kiếm, nên dừng chờ lệnh 2 ngày. Cùng tham gia nhiệm vụ với phân đội chó nghiệp vụ biên phòng là lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, do trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, làm trưởng đoàn.
Chiều qua, chó nghiệp vụ đã phát hiện được một số nguồn hơi và dự kiến sáng nay (27.10), máy xúc sẽ dọn vật cản để lực lượng chức năng thực hiện tìm kiếm cứu nạn.
Mai Thanh Hải 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.