Tết nghĩa tình của 'lính đỏ' Thổ Chu

07/02/2021 06:55 GMT+7

Gọi là xã trực thuộc TP.Phú Quốc (Kiên Giang), nhưng đảo Thổ Chu (Thổ Châu) cách 'đảo Ngọc' hơn 100 km đường biển và là đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam, nằm sát đường hàng hải quốc tế, tuyến vận tải biển quan trọng...

Lá chắn tiền tiêu

Chỉ 1 tuần sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), quân Khmer Đỏ đã đổ bộ lên đảo Thổ Chu, bắt và giết hại 528 người dân. Ngày 24.5.1975, các đơn vị Quân đội nhân dân (QĐND) VN phản công, thu hồi và củng cố phòng ngự giữ đảo. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 26.10.1975, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập các vùng duyên hải, trong đó có Vùng 5 Hải quân. Cũng từ đây, Trung đoàn 152 được thành lập với nhiệm vụ phòng thủ - bảo vệ đảo Thổ Chu, và sau giao cho Vùng 5 Hải quân. Mãi năm 2014, theo yêu cầu và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ đảo mới được giao lại cho Quân khu 9 với phiên hiệu Trung đoàn 152 giữ y nguyên.
Từ năm 2014, những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 được gọi tên “lính đỏ Thổ Chu” (chỉ lục quân) và là một trong số ít đơn vị lục quân QĐND VN phòng thủ đảo xa bờ.
Đảo Thổ Chu trước 1992 là đảo quân sự. Ngày 27.4.1992, UBND tỉnh Kiên Giang đưa 6 gia đình (30 nhân khẩu) từ xã đảo Kiên Hải ra đảo Thổ Chu lập nghiệp. Ngày 24.4.1993, xã đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc (nay là TP.Phú Quốc) được tái lập để quản lý quần đảo Thổ Chu.
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh vùng biển đảo phía tây nam của Tổ quốc, đảo Thổ Chu có diện tích khoảng 14 km2, cách đảo Phú Quốc khoảng 100 km về phía tây bắc, cách đất liền 220 km về phía bắc và có điểm cao nhất so với mực nước biển là 164 m.

Toàn cảnh Bãi Dong (đảo Thổ Chu) nhìn từ trên cao

ẢNH: ĐỘC LẬP

Rau bộ đội

Tính đến đầu năm 2021, xã đảo Thổ Châu có trên 600 hộ dân (hơn 2.000 nhân khẩu) với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông trên đảo cơ bản hoàn thiện. Trên đảo, có nhiều đơn vị vũ trang đóng quân, như Đồn biên phòng Thổ Chu (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Trạm ra đa 610 (thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), Trạm cảnh sát biển Thổ Châu (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và chủ công nhất là Trung đoàn 152, Quân khu 9.
Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, kể: “Mỗi mùa biển động sóng to gió lớn, bộ đội 152 là lực lượng chủ công hỗ trợ ngư dân cứu kéo ghe tàu tránh sóng lớn và đưa vào vị trí neo đậu an toàn; giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, tránh trú bão. Khi bà con đau ốm, có bộ đội cứu chữa kịp thời”. Ông Dừng tấm tắc: “Lính đỏ Thổ Chu là nòng cốt, đi đầu trong việc bảo vệ rừng và giữ gìn, phát triển màu xanh trên đảo. Trước đây mùa biển động, chục ngày không có tàu ra là cả đảo thiếu rau xanh. Bây giờ, có chậm tàu cả tháng cũng khỏi lo vì bộ đội 152 đơn vị nào cũng tập trung tăng gia sản xuất, rau trái rất nhiều”.
Đại đội 1 bộ binh (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152) nằm bên Bãi Dong ít người qua lại, nhìn khắp xung quanh toàn thấy vườn rau, cây ăn trái và bầu bí, mướp hương lổn nhổn. Thượng úy Chu Văn Huy, chính trị viên đại đội, bảo: “Công sức bộ đội không biết bao nhiêu” và giải thích: Anh em phải lên rừng lấy đất trải lên nền cát trồng rau. Sau buổi tập, bộ đội về doanh trại, mỗi người phải vác theo 1 bao đất để cải tạo, mở rộng vườn trồng... “Sống ngoài đảo, xa dân và cái gì cũng trông chờ đất liền cung cấp, không tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống tại chỗ, thì khi xảy ra tình huống khó mà có sức khỏe chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại úy Nguyễn Tấn Sỹ, đại đội trưởng, nói.
Tết nghĩa tình của “lính đỏ” Thổ Chu

Chiến sĩ Nguyễn Thống Nhất

“Vào bộ đội em học được nhiều thứ”

Binh nhất Nguyễn Thống Nhất của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152) sinh đúng ngày 19.5.2001. Nhất là con duy nhất của ông Nguyễn Ngọc Thống (50 tuổi) và bà Nguyễn Thị Điệp (54 tuổi), ngụ ở ấp Phú Xuân, TT.Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang. Tuy con một nhưng Nhất rất chăm chỉ, hiếu thảo. Tốt nghiệp THPT năm 2018, Nhất gác ước mơ vào đại học, xin vào làm công nhân Công ty giày da Tae Kwang Cần Thơ, mỗi tháng nhận mức lương 3 - 5 triệu đưa về đỡ đần ba chạy xe ôm, mẹ bán hàng rong ngoài chợ.
Đầu năm 2020, Nhất nhập ngũ vào huấn luyện tại Sư đoàn 330, Quân khu 9. Thêm 5 tháng học tiểu đội trưởng, Nhất được đưa ra đóng quân ở đảo Thổ Chu. Vừa chân ướt chân ráo ra đảo thì cậu nhận tin mẹ đột quỵ, ba bị chấn thương, cùng phải vào bệnh viện điều trị. Giữa tháng 9.2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang căng thẳng nên Nhất không được về nhà. Đầu tháng 12.2020, chỉ huy đơn vị linh động cho cậu về Bệnh viện Trường đại học Y Dược Cần Thơ chăm sóc bố mẹ. 15 ngày phép là 15 ngày ở trong bệnh viện. Nhất tằn tiện từng đồng trong số 4 triệu đồng tạm ứng (tiền ăn khi nghỉ phép, tiền tàu xe đi lại) để chăm bố mẹ, còn mình chỉ ăn qua quýt bánh mì qua bữa.

Chăm sóc vườn rau ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 152

Ảnh: Mai Thanh Hải

“May là khi em hết phép về đơn vị, ba đỡ bệnh, nhúc nhắc đi lại chăm mẹ liệt nửa người ngày ngày phải châm cứu”, Nhất kể với tôi và khoe: “Em đã để dành được mấy tháng phụ cấp, trước tết sẽ nhờ gửi về cho ba mẹ ăn tết ráng đầy đủ”. Nhìn khuôn mặt sáng, mắt lúc nào cũng như cười của cậu chiến sĩ 20 tuổi, tôi không thể ngờ câu chuyện gia đình cậu vất vả đến vậy. Nhất lại cười: “Vào bộ đội, em học được nhiều thứ và trưởng thành hơn ở ngoài rất nhiều. Xưa thấy nhiều việc quá cực, giờ thấy bình thường” và tâm sự: “Hết nghĩa vụ quân sự, em sẽ đi học lái xe để chạy taxi nuôi ba mẹ. Bây giờ ba mẹ em đang sống hằng ngày bằng cơm từ thiện nên sau này em cũng phải giúp đỡ người khó khăn, để trả nợ mọi người đã giúp gia đình em lúc này”.
Nhất cũng có lúc lắng lòng: “Gần tết như thế này, chiều chiều ngóng về bờ, nghĩ cảnh ba xếp hàng nhận cơm từ thiện mang về cho mẹ, buồn tủi lắm”. Khi chuyện trò cùng chúng tôi, Nhất cứ dặn đi dặn lại: “Anh đừng viết báo nói ngoài này vất vả, thiếu thốn mà ba mẹ em lo, lại bệnh thêm. Mình là đàn ông, là bộ đội đảo nên đã quen với mấy thứ khó khăn đời thường, phải vượt qua được thì sau này mới sống được trong đời và giúp cho đời”...
Đó cũng là phẩm chất - nghĩa tình, của những người “lính đỏ Thổ Chu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.