Vì “trưởng” nên năm nào vợ chồng cũng phải đùm túm dắt con về quê ăn tết. Và cũng vì “trưởng” nên những ngày ở nhà chồng Thoa phải cáng đáng tất cả.
|
Ở quê có lệ chiều cuối năm là cúng gia tiên “kiêm” rước ông bà về ăn tết với con cháu. Thường là mùng 3 sẽ cúng đưa ông bà về lại cõi trời. Riêng nhà Ngân năm nào cũng phải đợi “mùng 7 gãy nêu” mới chịu chia tay những người khuất mặt.
|
Việc ra món, nấu nướng, lên mâm đều do “nhạc trưởng” Thoa. Hai đứa em chồng (là gái) đang học phổ thông, có phần ham chơi. Nay thấy chị dâu về lại thêm lười nhác. Cúng xong, gia đình và bà con cật ruột ngồi hai mâm, bạn của mấy đứa em chồng một mâm. Bạn chồng một mâm.
9 giờ tối mới vãn tiệc. Mấy đứa em chồng ủi đồ, lên đồ phóng xe đi chơi. Không đứa nào tỏ vẻ ái ngại khi nhìn núi chén bát ngổn ngang dưới bếp. Mâm của chồng và bạn còn lại vài người nhưng vẫn khí thế, nói cười rổn rảng. Tiếng Ngân hát lè nhè “anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả”. Có người lấy đũa gõ chén làm trống khua lốc cốc như mõ chùa.
|
Bạn chồng đi vệ sinh ngang qua đống chén, vừa cài dây nịt vừa nhìn Thoa: “Gái phố mà thuần như em Thoa là số một, giỏi quá! Mình nhất định phải kiếm gái phố về làm dâu mới được”.
10 giờ. Bạn chồng ra về nhưng rủ chồng đi hát mấy bài cho “hả hơi”. Vừa ra cửa Ngân ngoái lại: “Thằng lớn ngủ rồi. Con nhỏ giật mình dậy khóc đòi mẹ. Em lên nhà trên dỗ nó ngủ tiếp rồi hãy rửa chén”. Mẹ chồng cũng giục: “Lên dỗ nó ngủ đi. Nó mà khóc to, ba con ổng la đó nghen”. Thoa dỗ con ngủ rồi lại xuống nhà bếp với đống chén bát cao nghệu. Nàng nghèn nghẹn. Nghĩ, “anh cho em mùa xuân” hay cho em đống chén!
Đang ngủ ngon thì mẹ chồng gọi dậy soạn bánh trái cúng giao thừa. Vừa lúc chồng và em chồng về. Thoa nằm nghe loáng thoáng mấy cha con bàn bạc chuyện gì, có lúc cãi nhau hơi to tiếng...
Nằm trong buồng với hai con, mắt híp lại nhưng Thoa không ngủ được nữa. Nghĩ đến cảnh từ mùng 1 đến mùng 7, ngày hai bữa nấu nướng, soạn mâm cho cha cúng ông bà rồi mời bà con họ hàng tới ăn nhậu từa lưa, rồi ngập đầu trong đống chén bát bẩn..., Thoa ngán ngẩm!
Nàng bàn với chồng về thành phố trước vài ngày để nghỉ ngơi rồi đi làm. Ngân nói anh biết vì sao em đòi về sớm. Nhưng cha mẹ không chịu, cứ nhất nhất nói sau mùng 7 muốn bay ngày nào bay. Ổng nói đã rước ông bà về thì phải cho ông bà “ăn” đúng bữa. Không có em, ai nấu đồ cúng? Thoa xẵng giọng: “Anh nói còn thiếu. Bổ sung đi! Không có em lấy ai rửa chén?”.
|
Tình hình rất là... tình hình. Ngân động viên vợ: “Thôi kệ đi em. Ráng chịu chút xíu rồi cũng qua. Bảy ngày là... một tuần chớ mấy. Thật ra cái kiểu vừa cúng trưa xong chưa kịp nghỉ ngơi đã lại cúng chiều anh cũng ngán lắm. Mà rồi ông bà có ăn uống gì đâu! Lúi húi trong bếp hoài, một chút ngày thường cũng không hưởng được chứ đừng nói tết với xuân. Giờ vầy, mấy ngày ở với ba mẹ, anh sẽ phụ em rửa chén “làm gương” cho mấy đứa em. Tụi nó thấy sẽ mắc cỡ, chắc phải nhào vô giúp em thôi”.
Không biết Ngân tỉ tê với ba mẹ thế nào mà ông bà đồng ý “tinh giản” mâm cao cỗ đầy. Trên bàn thờ gia tiên chỉ đơn sơ đĩa bánh, ly rượu, ly trà. Ba Ngân “chỉ đạo”, mỗi ngày chỉ cần thay bánh mới, rượu mới, trà mới, đốt chút trầm hương, Như thế rất gọn mà cũng không mất đi vẻ trang trọng. Càng thêm vui khi mấy đứa em chồng lăng xăng phụ việc chị dâu làm cơm, dọn dẹp...
Thoát được “lệ” ngày hai bữa đứng bếp nấu đồ cúng, không khí gia đình thật nhẹ nhàng thảnh thơi. Thoa tíu tít cùng chồng lên lịch “check in” các điểm đẹp ở quê. Nàng nói với em chồng: “Tết vậy mới tết! Sang năm chị sẽ “xúi” anh về sớm và ở lại lâu hơn.
Bình luận (0)