Tội phạm nước ngoài vào Việt Nam 'núp bóng' doanh nghiệp để sản xuất ma túy

20/12/2019 16:58 GMT+7

Lợi dụng chính sách thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu,... các đối tượng nước ngoài đã vào Việt Nam, núp bóng doanh nghiệp để sản xuất ma túy.

Ngày 20.12, tại cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống tội phạm ma túy năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực.

Thủ đoạn của các băng nhóm ma túy "khủng" người Trung Quốc tại Việt Nam

Nguồn ma túy chủ yếu vẫn từ nước ngoài, được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, hoặc tiếp tục luân chuyển đi nước thứ 3 qua các tuyến biên giới đường bộ và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển.

Ngày 20.12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an tổng kết kết quả công tác phòng, chống tội phạm ma túy năm 2019

Ảnh Trần Cường

Trong đó, trên tuyến biên giới Việt - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH). Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép với số lượng rất lớn.
Tuyến biên giới Việt - Trung, trước đây hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy diễn biến phức tạp theo hai chiều, heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, ngược lại các loại ma túy tổng hợp "dạng đá" được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.
Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam giảm so với trước. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng” qua Lào, Campuchia vào Việt Nam để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều nghi can người Đài Loan, Trung Quốc vào Việt Nam thành lập công ty, doanh nghiệp bình phong để sản xuất ma túy

Ảnh Cơ quan công an cung cấp

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, gia tăng hoạt động mua bán ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam, một số đường dây từ Bắc Mỹ, châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, đưa ma túy đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ.
Tại khu vực phía Nam, nhất là tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam trong năm qua.
Các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu... đã móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng” tổ chức sản xuất trái phép ma túy tổng hợp.

Ngày 6.8, Bộ Công an Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy tại xã Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum)

Ảnh Nam Phong

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua tuyến đường hàng không vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh.
Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động mạnh, do phạm vi rộng và hết sức khó khăn trong việc kiểm soát, đòi hỏi cần phải đầu tư lực lượng, phương tiện và công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đồng thời, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy.
Trong năm 2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy để chủ động, kịp thời trấn áp, triệt phá và thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.