Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN Nguyễn Quang Thuấn khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc từ tháng 2.1979 - 9.1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân VN.
Một cuộc chiến tranh xâm lược
|
“Với thắng lợi này quân và dân VN đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Giáo sư (GS) Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định dù khi đó TQ có biện minh dưới chiêu bài “phản kích tự vệ”, nhưng thực chất đây là hành động xâm lược VN - một quốc gia độc lập có chủ quyền. Quân dân VN đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước.
Kéo dài đến 10 năm
“Mặc dù TQ tuyên bố rút quân ngày 4.3.1979 nhưng trên thực tế cuộc chiến kéo dài tới 10 năm. Đặc biệt ác liệt là mặt trận Vị Xuyên ở Hà Giang đã xảy ra vào mùa hè năm 1984. Chiến tranh biên giới phía bắc để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần; khắc sâu một vết hằn trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng”, ông Ninh nói.
Trong khi đó, GS Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: dù nhìn từ góc độ nào thì cuộc tấn công của 600.000 quân TQ năm 1979 mang tính chất của một cuộc chiến tranh xâm lược. Thậm chí, cuộc chiến này còn vượt xa các cuộc chiến tranh xâm lược trước đây về quy mô quân số và phạm vi chiến trường trong cùng một thời điểm. “VN chưa từng phải chống đỡ với một đạo quân lên tới 600.000 người tấn công trên toàn tuyến biên giới trải dài gần 1.400 km”, ông Giang khẳng định.
Những toan tính của TQ
Phân tích những toan tính của TQ khi mở cuộc chiến tranh xâm lược VN, GS Ninh nhìn nhận, về lâu dài, Đông Nam Á là đích đến mà TQ nhắm tới trong nhiều triều đại và VN là trở ngại trên con đường “thâu tóm” Đông Nam Á của TQ.
tin liên quan
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa“Vào năm 1978, việc VN ký hiệp ước hợp tác và hữu nghị với Liên Xô là cái cớ để TQ tấn công VN dưới chiêu bài phản kích tự vệ”, ông Ninh nhận định, đồng thời cho hay cũng vào thời điểm đó, sự thất bại của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ mà TQ hậu thuẫn đã giáng một đòn nặng nề đối với ý đồ bành trướng xuống phía nam của Trung Nam Hải. Do đó, mục đích khẩn cấp của cuộc tấn công VN là để cứu nguy cho Pôn Pốt vừa thất bại cay đắng phải bỏ chạy khỏi Phnôm Pênh.
Bên cạnh đó, theo GS Ninh, nửa sau thập niên 70 của thế kỷ trước, tình hình TQ có nhiều chuyển biến quan trọng với việc Mao Trạch Đông qua đời và nhóm 4 người - những kẻ chủ chốt trong Cách mạng văn hóa ở TQ bị bắt; kế hoạch cải cách của Đặng Tiểu Bình “4 hiện đại hóa” bước đầu mở ra thời kỳ phát triển mới của TQ.
“Trong bối cảnh đó, TQ bịa đặt nguy cơ bị tấn công bởi sự liên kết Việt - Xô để tập hợp lực lượng trong nước qua đó làm dịu đi sự hỗn loạn nảy sinh từ thời cách mạng văn hóa và nâng cao vị thế của Đặng Tiểu Bình, nhân vật lãnh đạo đang cần củng cố quyền lực trong sự rối bời của triều chính sau cái chết của Mao. Có thể nói, Đặng đã đạt được mục đích này cho cá nhân ông ta”, ông Ninh khẳng định.
GS Ninh cũng cho rằng cái đích chính mà TQ muốn nhắm đến vào thời điểm xua quân tấn công VN chính là nước Mỹ. Ngay sau khi Mỹ và TQ thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức vào 1.1.1979, Đặng Tiểu Bình đã đi Mỹ củng cố mối quan hệ với Mỹ nhằm chống Liên Xô. Trong chuyến thăm này, Đặng Tiểu Bình cũng tiết lộ cho Mỹ biết TQ sẽ tấn công VN và cho rằng nếu như khi đó, Liên Xô có tấn công phía bắc của TQ cũng “không quan trọng”.
“Mỹ đã cung cấp cho TQ những thông tin thu lượm về lực lượng biên phòng của Liên Xô ở biên giới TQ như một sự khuyến khích Bắc Kinh thực hiện kế hoạch đánh VN mà không lo ngại cuộc tấn công từ phía bắc”, GS Ninh cho hay và đánh giá, kế hoạch tấn công VN được coi như món quà mà Đặng Tiểu Bình mang sang Nhà Trắng để đạt được sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc tiến công VN đồng thời thu hút nguồn đầu tư của Mỹ để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của TQ.
Nhắc lại sự thật không phải để khoét sâu hận thù
GS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, khẳng định: Việc tổ chức hội thảo quốc gia về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc cách đây 40 năm không phải để khoét sâu mối hận thù, mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của VN trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
tin liên quan
‘Binh đoàn đặc biệt’ ở chiến trường Vị Xuyên“Cuộc hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc; rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người VN hôm nay và mai sau”, GS Cường nói.
GS Vũ Dương Ninh thì nhìn nhận sự thực lịch sử dù vui hay buồn đều cần phải được ghi lại để rút ra những bài học cho đời sau. Theo ông Ninh, hơn 40 năm đã qua sau những cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng những sự kiện bi hùng đó không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác.
“Tất cả những người VN đã từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước VN đều xứng đáng được vinh danh và được sự tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, về văn học và nhiều môn học khoa học xã hội khác cần được quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta đã từng viết về hai cuộc kháng chiến trước”, vị giáo sư sử học nói và khẳng định không khơi gợi hận thù, song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.
Tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Lê Đình ChinhChiều 15.2, lãnh đạo Tỉnh đoàn Thanh Hóa và nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương đã đến thắp hương tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh tại gia đình cụ Khương Thị Chu (mẹ liệt sĩ Lê Đình Chinh) ở P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh là công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), hy sinh trên biên giới phía bắc ngày 25.8.1978 khi đang chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh là chiến sĩ đầu tiên hy sinh ở biên giới phía bắc. Sau khi hy sinh, anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh được an táng tại khu vực gần biên giới, sau đó được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ H.Cao Lộc (Lạng Sơn). Tháng 1.2013, hài cốt anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh được Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa và gia đình, Ban Liên lạc Trung đoàn 12 tổ chức cất bốc và đưa anh về quê hương Thanh Hóa an táng.
Minh Hải
|
Bình luận (0)