Tổng bí thư, Chủ tịch nước chủ trì hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng

12/12/2020 10:29 GMT+7

Sáng 12.12, hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 khai mạc. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được truyền trực tuyến tới 82 điểm cầu trên cả nước với hơn 5.000 đại biểu tham dự. Trong đó, có hơn 670 đại biểu tham dự hội nghị tập trung tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; thủ trưởng các ban, bộ, ngành T.Ư; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy; Giám đốc Công an; Viện trưởng VKSND; Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư...
Theo báo cáo của Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, trong thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.
Kết quả đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng tới dự hội nghị. Hội nghị chính thức được tổ chức tại trụ sở Bộ Quốc phòng

Ảnh TTXVN

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tập trung kiểm tra làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kỷ luật nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, cả đương chức và nghỉ hưu.
Kỷ luật của Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. 
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực, dự án có thông tin, dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã tập trung hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm toán, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm tại nhiều dự án, vụ việc gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.

Hội nghị diễn ra trong sáng nay, 12.12 theo hình thức trực tuyến tới 83 điểm cầu trên cả nước

Ảnh TTXVN

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước và các vụ án mà lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn.
Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; kiên quyết xử lý nghiêm nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn; việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong một số vụ án đạt khá cao.
Cùng với đó là khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; truy bắt, xử lý các đối tượng phạm tội tham nhũng, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài...

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại hội nghị

Ảnh TTXVN

Sau 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thật sự “trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế không thể cưỡng lại”.
Theo Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học, từ khi Ban Chỉ đạo thành lập (2013) tới nay, đã đưa hơn 800 vụ án vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện chỉ đạo ở 3 cấp độ (cấp độ Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi - án cấp độ 1; cấp độ Ban Nội chính T.Ư đôn đốc - án cấp độ 2; và cấp độ Tỉnh, Thành ủy chỉ đạo - án cấp độ 3).
Theo đó, Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo (tức án cấp độ 1) là 133 vụ án, 94 vụ việc. Đến nay, các cơ quan điều tra kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.