Tổng điều tra dân số 2019: Còn 4.800 hộ dân không có nhà ở

11/07/2019 10:31 GMT+7

Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vừa công bố sáng nay, 11.7, cả nước vẫn còn 4.800 hộ (trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư toàn quốc) không có nhà ở, mặc dù tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009, và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.
Điều tra tính đến ngày 1.4 cho thấy, hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5 m2/người, cao hơn 6,8 m2/người so với 10 năm trước.
Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7 m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội
Ngoài ra, một số chỉ tiêu chính về kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra năm 2019 như: tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2019 là hơn 96,2 triệu người, trong đó dân số nam là 47,88 triệu người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48,32 người (chiếm 50,2%).
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Kết quả tổng điều tra 2019 cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009.
TP.Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Báo cáo cho thấy trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33,059 triệu người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63,149 triệu người, chiếm 65,6%.
Về cơ cấu dân tộc, hiện toàn quốc có hơn 82 triệu người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và hơn 14,1 triệu người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước.
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.
Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ nam giới biết đọc biết viết đạt 97,0%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở nữ giới. Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết đọc biết viết của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể.
Năm 1999, tỷ lệ biết đọc biết viết của nam là 93,9%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 7,0 điểm phần trăm; đến năm 2019, tỷ lệ đọc biết viết của nam đạt 97,0%, cao hơn tỷ lệ của nữ 2,4 điểm phầm trăm.
Phát biểu tại biểu công bố, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kết quả sơ bộ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách nhằm tận dụng được thời cơ dân số vàng, khắc phục được tình trạng chưa giàu đã già, cũng như nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.