Tổng liên đoàn Lao động muốn tiếp tục giữ khoản thu kinh phí công đoàn 2%

08/09/2020 17:45 GMT+7

Trong báo cáo tổng kết thi hành luật Công đoàn 2012 mà Tổng liên đoàn Lao động trình ra Quốc hội đã báo cáo cụ thể về tình hình thu, chi tài chính công đoàn của công đoàn từ 2012 tới nay.

Báo cáo phục vụ cho dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công đoàn dự kiến sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp 10 tới đây.
Theo đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho hay, luật Công đoàn 2012 và nghị định của Chính phủ đã quy định rõ nguồn thu của công đoàn. Cụ thể, đối tượng đóng kinh phí công đoàn 2%, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đơn vị chưa có tổ chức công đoàn.
Tổng liên đoàn Lao động đánh giá, đối tượng đóng kinh phí công đoàn 2% rộng hơn trước khi có Luật. Ngoài ra, công đoàn Việt Nam thu 1% đoàn phí của công đoàn viên theo quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Thu hơn 100 nghìn tỉ, mới chi gần 77.000 tỉ

Báo cáo về tình hình thu tài chính công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động cho hay, tổng thu trong 7 năm (từ năm 2013 - 2019) là 100.353 tỉ đồng. Trong đó, đoàn phí công đoàn là 25.250 tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỉ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỉ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.
Theo Tổng liên đoàn Lao động, thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó, thu kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.
Về chi tài chính, Tổng liên đoàn Lao động cho biết, từ năm 2013 - 2019, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 76.955 tỉ đồng.
Số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở với 56.336 tỉ đồng, chiếm 73,2 % tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỉ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 8.395 tỉ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng liên đoàn 575 tỉ đồng, chiếm 0,8% tổng chi.
Theo Tổng liên đoàn Lao động, sau khi có luật Công đoàn 2012, Công đoàn Việt Nam đã điều chỉnh giảm tỷ trọng chi tại các cấp trên để tập trung nguồn kinh phí cho cấp cấp công đoàn cơ sở sử dụng, nhằm mục tiêu chi chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động.
Cụ thể, về nội dung chi tại các cấp công đoàn trong giai đoạn 2013 - 2019, Tổng liên đoàn Lao động cho hay, tại cấp Tổng liên đoàn, chi cho hoạt động chiếm 36,3%; chi lương, phụ cấp chiếm 30,1%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 13,3%; chi quản lý hành chính 20,3%.
Tại cấp tỉnh, ngành, chi cho hoạt động chiếm 34.5%; chi lương, phụ cấp chiếm 28,6%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 19,9%; chi quản lý hành chính 16,5%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,5%.
Tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp, chi cho hoạt động chiếm 44%; chi lương, phụ cấp chiếm 34,5%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 5%; chi quản lý hành chính 15,7%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,8%.
Tại cấp công đoàn cơ sở, cơ bản chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động với tỷ trọng chi là 81,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 0,2%.
Tổng liên đoàn Lao động cho hay, nội dung chi hoạt động tại các công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên cũng chủ yếu là cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động tại công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, tại các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động vẫn được sự quan tâm, chăm lo, vệ quyền lợi của người lao động tại các cấp công đoàn. Từ năm 2013 - 2019, tổng số chi tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở là 223 tỉ đồng. Số còn lại chưa chi tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở sẽ được công đoàn cấp trên trả lại cho công đoàn cơ sở khi được thành lập.

Tiếp tục giữ nguồn thu kinh phí công đoàn 2%

Tổng liên đoàn Lao động cũng cho biết, từ năm 2013, công đoàn không thực hiện thu kinh phí công đoàn tập trung khu vực hành chính sự nghiệp trung ương về cấp Tổng liên đoàn (trước đây Tổng liên đoàn thu 2% kinh phí của khu vực hành chính sự nghiệp trung ương).
Đồng thời, chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương hạn chế việc thu tài chính mà phân cấp thu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Tổng liên đoàn Lao động cũng khẳng định, trong giai đoạn 2012 - 2020, nguồn tài chính của tổ chức công đoàn được dành cho công đoàn cơ sở là chủ yếu. Thực hiện nghị quyết của Tổng liên đoàn Lao động, từ năm 2016, nguồn kinh phí công đoàn dành cho công đoàn cơ sở mỗi năm tăng 1%.
Năm 2020, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: nguồn thu tại cấp tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 70% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn, 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.
Tổng liên đoàn Lao động cũng khẳng định, thực tiễn tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó.
Đối với công đoàn cơ sở, phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo nguồn tài chính để công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động khẳng định, việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Như Thanh Niên đưa tin, tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng thu tài chính công đoàn (năm 2019) là hơn 20.200 tỉ đồng (đóng góp lớn nhất là khối sản xuất kinh doanh với gần 12.400 tỉ đồng, chiếm 69%), tổng chi là hơn 14.500 tỉ đồng, kết dư khoảng 5.800 tỉ đồng, bằng 23% tổng thu.
Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động còn thấp (chiếm 46%) so với tổng nguồn tài chính công đoàn được sử dụng các cấp trong năm. Tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở (97% kinh phí để lại của công đoàn cơ sở).
Trong khi đó, càng ở các công đoàn cấp trên, tỷ lệ chi/tổng kinh phí để lại càng thấp. Cụ thể, tại cấp công đoàn cơ sở, tỷ lệ này là 99,1% thì công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%; cấp Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành là 45,4%; và tại Tổng liên đoàn Lao động chỉ có 8,3%.
Theo Kiểm toán nhà nước, điều này xảy ra bất cập là trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động, thì các cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; Tổng liên đoàn Lao động lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư, cho vay...
Đến cuối năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là hơn 28.950 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% toàn ngành).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.