TP.HCM bắt đầu 'dẹp loạn' thẩm mỹ trái phép

07/11/2019 20:15 GMT+7

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ dốc toàn lực kiểm tra các loại hình thẩm mỹ trong tháng 11 và kéo dài đến cuối năm 2019, để chấn chỉnh, răn đe sau nhiều sự cố phẫu thuật thẩm mỹ khiến 2 người tử vong.

Chiều 7.11, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM.   

Hàng ngàn cơ sở làm đẹp chui

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Phó phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), hiện nay thẩm mỹ có 2 loại hình. Loại hình có giấy phép hoạt động gồm có 15 bệnh viện thẩm mỹ, 10 phòng khám thẩm mỹ trong các bệnh viện đa khoa (được phép phẫu thuật gây mê); 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (được phép thủ thuật gây tê, dùng thuốc).

Loại hình dịch vụ thẩm mỹ (spa, thẩm mỹ viện) không có giấy phép hoạt động, ước tính lên đến 1.398 cơ sở. Theo quy định, loại hình này khi hoạt động phải có báo cáo với Sở Y tế, nhưng mới chỉ có 8 cơ sở báo cáo.

Qua thống kê, 9 tháng đầu 2019 số lượt đến bệnh viện thẩm mỹ là 33.942 ca, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Sở Y tế đặc biệt quan tâm lĩnh vực thẩm mỹ, đặc biệt là phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng có một thực tế bất cập là bác sĩ thẩm mỹ không quan tấm đến thủ tục hành chính: không tường trình phẫu thuật, cam kết của người bệnh, không thể hiện tư vấn, không thể hiện khám tiền mê...

"Nhiều bác sĩ nói sau mổ cứ 40 phút khám một lần, nhưng hồ sơ bệnh án thể hiện 5 tiếng đồng hồ không khám lại bệnh nhân. Việc không tuân thủ quy trình, quy định khi có xảy ra sự cố thì bệnh viện, bác sĩ rối hết lên vì không biết làm gì“, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa nói.

Về lưu ý các bệnh viện thẩm mỹ, bác sĩ gây mê trước khi phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Thị Thoa yêu cầu cần phải khai thác tiền sử tim mạch, huyết áp, tiểu đường, dị ứng... của khách hàng. Đặc biệt lưu ý khuyến cáo với phụ nữ là ghi rõ ngày kinh cuối… Theo bác sĩ Thoa, nhiều nơi làm hình thức quy trình phòng, chẩn đoán, xử trí phản vệ.

Làm đẹp chui ở cả các tiệm tạp hóa

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay có một số người có làm xâm lấn vào da được thực hiện ở cả các tiệm tạp hóa, tiệm hớt tóc, khu chung cư. Bên cạnh đó, các nơi này còn sử dụng nguồn gốc thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, chỉ định kê toa cho khách hàng thuốc giảm cân…

Tuy nhiên, điều rất đáng lo ngại là một số người thấy giá rẻ, đơn giản thì cứ "lao đầu vào làm". Việc thực hiện các kỹ thuật xâm lấn tại các cơ sở không phép có thể bị lây nhiễm viêm gan B, C, HIV, thậm chí có thể tử vong. Ngoài ra, các nơi này còn gắn camera theo dõi thanh tra y tế đến là hủy chứng cứ, không hợp tác…

Đừng xem người đi làm đẹp là... món hàng

Ở góc độ hội nghề nghiệp, PGS - TS Lê Hành, Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) cho rằng hành nghề y có thể gây ra biến chứng, nếu tuân thủ chặt chẽ quy trình đặt ra là không dễ, nhưng tuân thủ đúng thì bệnh nhân và bệnh viện sẽ có độ an toàn cao.

"Thật sự hiện nay có không ít bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm kiếm tiền nhiều hơn quan tâm đến bệnh nhân. Đúng ra bác sĩ phải xem bệnh nhân như là một khách hàng để phục vụ, đừng xem bệnh nhân là món hàng để tìm mọi cách moi móc, tìm mọi cách lấy lời, có lợi ích", PGS - TS Lê Hành nêu quan điểm.

Theo PGS - TS Lê Hành, nếu không kiểm soát được quảng cáo thì ngành thẩm mỹ sẽ loạn. Ngoài ra, phải siết lại, không phải mở bệnh viện ra là ai vào phẫu thuật cái gì cũng được. Qua các ca tử vong vừa qua cho thấy, không phải bệnh viện nào cũng an toàn về gây mê hồi sức, an toàn cho bệnh nhân.  

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thực tế đa số phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, spa, thẩm mỹ viện đều quảng cáo sai phép, quá chức năng, quá phạm vi chuyên môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.