'TP.HCM cắm nhà cao tầng vào đô thị cũ một cách bất hợp lý'

13/01/2020 21:27 GMT+7

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định TP.HCM đang cắm nhà cao tầng vào đô thị cũ một cách bất hợp lý.

Chiều 13.1, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP gặp gỡ và lắng nghe các ý kiến của kiều bào góp phần phát triển TP.HCM.

TP.HCM tiếp nhận gần 130.000 tỉ đồng kiều hối trong năm 2019

Cắm nhà cao tầng vào đô thị cũ

Nhiều năm tham gia góp ý xây dựng TP, KTS Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Canada) cho biết TP đang bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế nhưng lại phải đối mặt với thử thách về nguồn vốn. Do đó, ông ủng hộ việc TP.HCM giữ lại ngân sách nhiều hơn để đầu tư và mang lại hiệu suất sinh lợi nhiều hơn đóng góp cho cả nước.
Liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị, KTS Sơn cho rằng TP.HCM đang lãng phí cả chục nghìn tỉ khi chưa gắn kết các quy hoạch phát triển nhà ở với giao thông, đô thị. Vị chuyên gia này phản bác quan điểm xây nhà cao tầng là nguyên nhân của kẹt xe, ngập lụt và ô nhiễm môi trường và dẫn chứng các thành phố lớn trên thế giới đều có nhà cao tầng.

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý về quy hoạch đô thị ở TP.HCM, nhấn mạnh vai trò nhà cao tầng

Ảnh: Khả Hòa

“Nếu được quy hoạch đúng chỗ, hợp lý và bền vững thì sẽ hiệu quả về sử dụng đất, đưa người dân vào ở tạo thành đô thị nén, có thêm đất làm không gian xanh, mặt nước giúp đô thị gần gũi với thiên nhiên”, ông Sơn nhận định.
Tuy nhiên, thời gian quan, nhà cao tầng phát triển tự phát, mang lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư nhưng thiệt hại rất lớn cho thành phố. Đô thị phát triển theo nhiều giai đoạn, nhưng đều có có đô thị cũ và đô thị mới, trong đó đô thị cũ thường có đường nhỏ, nhà thấp, không gian xanh ổn định, đô thị mới có đại lộ, metro.
Lo lắng trước xu hướng cắm nhà cao tầng vào đô thị cũ một cách bất hợp lý trong khi khu đô thị mới như Thủ Thiêm lại còn vắng, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị lãnh đạo TP cần điều phối để đảm bảo sự hài lợi ích giữa nhà đầu tư với nhà nước tránh tình trạng quy hoạch đô thị tách rời quy hoạch giao thông.

Xây dựng quy chế quản lý nhà cao tầng

Góp ý về xây dựng đô thị thông minh, GS.TS Trần Hải Linh (Việt kiều Hàn Quốc) cho biết tại Hàn Quốc, chính quyền ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành đô thị thông minh với 8 yếu tố gồm: nhà xưởng, giao thông, lưới điện, phương tiện, môi trường, y tế,… Trong đó, quan trọng nhất là quản trị thông minh giúp chính quyền đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập và nhu cầu cấp thiết của người dân.

GS.TS Trần Hải Linh đóng góp ý kiến cho TP.HCM

Ảnh: Khả Hoà

GS Trần Hải Linh kiến nghị TP.HCM cần có lộ trình cho một chiến lược dài hạn và toàn diện với hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị. “Chúng tôi mong muốn tập hợp các doanh nghiệp, doanh nhân Hàn Quốc để đóng góp cho TP xây dựng đô thị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua các mối quan hệ với các tập đoàn tài chính ở Hàn Quốc”, GS Linh đề nghị.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kiều bào mong muốn trở thành cầu nối giữa thành phố với doanh nghiệp nước sở tại, đào tạo nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực như tài chính, thương mại, công nghiệp, y tế, giáo dục,…

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn các ý kiến đóng góp của kiều bào góp phần xây dựng TP.

Ảnh: Khả Hòa

Cảm ơn các ý kiến của kiều bào, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho biết cả nước có 4,5 triệu kiều bào dù ở nước ngoài nhưng luôn mong muốn góp ích cho quê hương. Ông Nhân nhận định các góp ý đều trúng vào những nhu cầu mà thành phố đang cần và TP.HCM sẽ phân công cho từng sở, ngành nghiên cứu.
Đối với ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, Bí thư Thành ủy TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu lập quy chế quản lý nhà cao tầng để tránh xung đột giữa việc xây dựng với giao thông, thoát nước.
Về vấn đề kẹt xe, Sở GTVT TP.HCM đã trung tâm chỉ huy phân tích dòng xe để điều chỉnh đèn tín hiệu cho phù hợp, giảm kẹt xe vào giờ cao điểm. Liên quan đến cơ chế tài chính đầu tư đô thị thông minh, ông Nhân đề nghị GS Linh chia sẻ thêm về hình thức đối tác công tư bởi theo ông, nếu chỉ nhà nước làm thì không xuể, còn để một mình tư nhân làm thì rủi ro nên 2 bên cần phải phối hợp để làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.