TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ lao động tự do chưa đăng ký tạm trú gặp khó vì dịch Covid-19

30/07/2021 11:12 GMT+7

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định sẽ giao các quận huyện và TP.Thủ Đức chủ động rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở.

Ngày 29.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, nắm chắc số liệu lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (ngoài 6 nhóm ngành nghề lao động tự do đã được quy định tại Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM về triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP.HCM).
Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục rà soát kỹ, thống kê đầy đủ, nắm chắc (hạn chế tối đa việc phát sinh về sau) số liệu lao động tự do ngoài 6 nhóm đã được quy định hỗ trợ.
Trên cơ sở thống kê đầy đủ số lao động tự do, Sở này đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cho ý kiến việc các địa phương sẽ đề xuất cụ thể 5 nhóm công việc lao động tự do hiện đang gặp khó khăn, cấp bách nhất để TP.HCM hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người.
Nhóm công việc lao động tự do còn lại do các quận, huyện và TP.Thủ Đức hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở (không thấp hơn mức 1 triệu đồng/người).

TP.HCM đề xuất hỗ trợ lao động tự do chưa đăng ký tạm trú gặp khó khăn vì Covid-19

Liên quan việc áp dụng điều kiện lao động tự do để nhận hỗ trợ cần có "cư trú hợp pháp tại địa phương" (thường trú, hoặc tạm trú được cơ quan công an xác nhận) trong thời gian nhận được nhiều phản hồi, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề xuất những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định sẽ giao các quận huyện và TP.Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: "Dù việc hỗ trợ lao động tự do từ ngân sách TP.HCM hay từ nguồn vận động doanh nghiệp, quỹ Vì người nghèo... thì đều có giá tri như nhau trong lúc này. Quan điểm của Sở là không để người lao động khốn khổ, thiếu ăn, thiếu mặc".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.