TP.HCM đề xuất kéo dài dự án vệ sinh môi trường đến năm 2029

27/02/2020 13:22 GMT+7

UBND TP.HCM cho biết đến tháng 6.2024, nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới hoàn thành và nhà thầu vận hành trong 5 năm tiếp theo nên kiến nghị kéo dài thời gian dự án vệ sinh môi trường TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2 từ năm 2014 đến năm 2029. Cụ thể, dự án hoàn tất thi công và vận hành thử nhà máy từ năm 2019 đến năm 2024 và vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ năm 2024 đến năm 2029.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, các bộ, ngành liên quan thực hiện điều chỉnh hiệp định vay và hiệp định tín dụng của dự án.
Dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 với thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến năm 2019, tổng vốn dự án khoảng 524 triệu USD, trong đó có 450 triệu USD vốn vay ODA, phần còn lại là vốn đối ứng. Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý nước thải chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu 480.000 m3/ngày đêm, và có khả năng nâng lên tối đa 850.000 m3/ngày đêm trong tương lai.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra công trường dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 vào năm 2018.

Ảnh: Hà Nhân

Theo hiệp định vay và hiệp định tín dụng của dự án giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian chính thức để thực hiện dự án đến ngày 30.6.2021.
Về lý do điều chỉnh, UBND TP.HCM cho biết trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, WB đề nghị đối với gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải áp dụng hình thức Hợp đồng Thiết kế - Xây dựng - Vận hành (hợp đồng DBO). Mặc dù hình thức hợp đồng này được WB áp dụng ở một số quốc gia nhưng lại khá mới ở Việt Nam.

Nhà thầu vận hành trong 5 năm

WB cũng quan ngại rằng với công nghệ vận hành hiện đại của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong tương lai thì TP.HCM chưa thể tiếp nhận để tự vận hành ngay được. Do đó, WB đề nghị ngoài thời gian xây lắp và vận hành thử nhà máy, nhà thầu xây lắp sẽ tiếp tục vận hành nhà máy trong 5 năm, và thời gian thực hiện hợp đồng DBO sẽ bao gồm thời gian thiết kế, thi công và thời gian vận hành nhà máy.
Hồi tháng 1.2017, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó Gói thầu XL-02 (Thiết kế - Thi công - Vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) áp dụng hình thức hợp đồng DBO với thời gian thực hiện dự kiến 10 năm. Trong đó, thời gian thiết kế, thi công xây dựng và vận hành thử nhà máy xử lý nước thải là 5 năm và thời gian vận hành chính thức là 5 năm.

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 sẽ thu gom, xử lý nước thải thuộc lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ảnh: Sỹ Đông

UBND TP.HCM cho biết hiện các gói thầu của dự án đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và đã triển khai thi công. Riêng Gói thầu XL-02 là gói thầu quan trọng nhất của dự án đã được chủ đầu tư ký kết hợp đồng với liên danh Acciona - Vinci vào tháng 3.2019. Dù vậy, đến đầu tháng 1.2020, chủ đầu tư mới có thể tạm ứng để hợp đồng chính thức có hiệu lực do có khiếu nại từ các nhà thầu khác.
Dự kiến đến tháng 6.2024, dự án nhà máy xử lý nước thải mới hoàn thành, đồng nghĩa với việc vượt thời gian thực hiện dự án theo hiệp định vay đã được ký kết là tháng 6.2021 nên cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cho phù hợp với thực tế.
Theo tìm hiểu, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án còn góp phần sử dụng phần vốn ODA kết dư sau đấu thầu của dự án. UBND TP.HCM đã có chủ trường sử dụng phần vốn kết dư này để đầu tư bổ sung các hạng mục theo thứ tự ưu tiên gồm: Hạng mục xử lý bùn thải theo công nghệ hiện đại, Trung tâm học tập môi trường ELC, hệ thống điện năng lượng mặt trời bên trong Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc dự án).
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư bổ sung các hạng mục thoát nước mưa, thu gom nước thải, nạo vét, kiên cố hóa các tuyến rạch trên địa bàn quận 2 đang bị ô nhiễm trong phạm vi sử dụng vốn ODA kết dư nói trên để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.