Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng tại TP.HCM, kiểm soát dịch hiện nay về cơ bản cần đạt các mục tiêu bảo vệ được “vùng xanh” và cô lập, giảm dần “vùng đỏ”, giảm tốc độ gia tăng ca mắc mới.
Theo ông Phu, đây là các mục tiêu rất khó vì biến thể Delta lây lan nhanh. Nếu chủng Alpha (ghi nhận lần đầu tại Anh) có khả năng lây lan nhanh gấp 0,7 lần chủng thông thường, thì Delta lại lây gấp 1,4 lần chủng Alpha. Trong khi đó, ngay cả khi tỷ lệ ca bệnh nặng thấp hơn nhiều so với ca nhẹ, thì khi số mắc mới gia tăng, kéo theo số ca nặng cũng tăng lên.
Do đó, ông Phu cho rằng TP.HCM cần rà soát, thực hiện thật nghiêm ngặt các biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả, để giảm tốc độ lây lan, giúp giảm ca nặng. Phải bảo vệ cho được các “vùng xanh”, nếu để tại đây xuất hiện ca bệnh là do chưa thực hiện triệt để các giải pháp. Trong khi đó, “vùng đỏ”, vùng phong tỏa cũng cần thực hiện nghiêm để không lây lan mạnh và phải bằng mọi cách được đổi dần sang an toàn hơn. Bên cạnh đó, cần đánh giá, rà soát để rút kinh nghiệm, xác định các điểm cần phải thực hiện hiệu quả hơn. Việc xét nghiệm nên thực hiện với từng địa bàn phù hợp…
Chuyên gia này đánh giá túi an sinh với việc cung cấp thực phẩm lúc này là giải pháp phù hợp, người dân yên tâm cách ly tại nhà, không ra ngoài, giảm nguy cơ lây nhiễm. “Giãn cách hiện vẫn cần thực hiện, vì đó là giải pháp để cắt đường lây nhiễm, nhưng phải thực hiện thật nghiêm. Như một số nước, đã phải giãn cách đến 6 tháng, thậm chí kéo dài hơn”, ông Phu khuyến cáo.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước đó, ngày 17.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19. Tại buổi làm việc, ông Long đặc biệt lưu ý TP.HCM thực hiện các nội dung trọng điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này.
Trong đó, đầu tiên, TP phải thực hiện giãn cách thật nghiêm, vì “giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm”.
Thứ hai, phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm. Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng, thực hiện theo Nghị quyết 86 như: để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng RT-PCR; TP chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu, hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ…
|
Bình luận (0)