TP.HCM đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19

22/06/2021 04:00 GMT+7

Chiều 21.6, TP.HCM mới bắt đầu triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm chủng 836.000 liều vắc xin Covid-19 (vắc xin AstraZeneca) trên tất cả quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Các địa điểm tiêm được đặt tại các trung tâm y tế, trạm y tế và điểm tiêm ngoài cộng đồng như trường học, trung tâm thể dục thể thao, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Bản tin Covid-19 ngày 21.6: TP.HCM "kỷ lục" 166 bệnh nhân mới, tổng lực tiêm vắc xin gần 200.000 liều/ngày

Triển khai trên diện rộng

Tại điểm tiêm cộng đồng Trung tâm bồi dưỡng chính trị (P.Võ Thị Sáu, Q.3), mặc dù 13 giờ 30 phút ngày 21.6 mới đến giờ tiêm, nhưng từ khoảng 12 giờ 45 phút đã đông người dân đến xếp hàng khai báo y tế, chờ đợi hướng dẫn để thực hiện các bước tiêm.
Điểm tiêm cộng đồng tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 do Bệnh viện Q.1 phụ trách

Điểm tiêm cộng đồng tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 do Bệnh viện Q.1 phụ trách

Ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND P.Võ Thị Sáu, cho biết đơn vị thực hiện tiêm chủng là Bệnh viện (BV) Tai mũi họng, có 3 tổ. Dự kiến số lượng tiêm khoảng 300 người, là thành viên của các tổ Covid-19 cộng đồng trên địa bàn phường. Ngoài ra, Q.3 còn 3 điểm tiêm cộng đồng khác.
Điểm tiêm chủng cộng đồng tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng do Bệnh viện Q.11 phụ trách

Điểm tiêm chủng cộng đồng tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng do Bệnh viện Q.11 phụ trách

“Lực lượng được huy động để hỗ trợ hướng dẫn người dân tại đây ngoài phía P.Võ Thị Sáu, P.5 và ngành y tế, còn có lực lượng tình nguyện viên quận đoàn, công an, bảo vệ dân phố. Công tác hậu cần, chuẩn bị các phương án hỗ trợ cấp cứu theo hướng dẫn của ngành y tế đã đầy đủ. Do số lượng đông nên chiều nay chia thành 4 đợt”, ông Nam cho hay. Đa số người đến tiêm vắc xin ở độ tuổi trung niên.
Bà Đ.T.H.C (68 tuổi, ngụ P.Võ Thị Sáu) chia sẻ: “Tôi không cảm thấy hồi hộp; mình được tiêm, sẽ biết các cách thức tiêm vắc xin, loại vắc xin... để về thông tin lại cho người dân trong khu phố”.
Điểm tiêm cộng đồng tại Trường THCS Âu Lạc, Q.Tân Bình do Bệnh viện Q.Tân Bình phụ trách ẢNH: ĐỘC LẬP

Điểm tiêm cộng đồng tại Trường THCS Âu Lạc, Q.Tân Bình do Bệnh viện Q.Tân Bình phụ trách

ẢNH: ĐỘC LẬP

Chiều cùng ngày, điểm tiêm chủng cộng đồng ở Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) do BV Lê Văn Thịnh là đơn vị tiêm chủng, cũng tiêm vắc xin cho 238 người. Tại điểm tiêm Nhà thi đấu đa năng Q.7, khoảng 13 giờ ngày 21.6, lực lượng chức năng đã túc trực hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt và ổn định chỗ ngồi tại khu vực chờ tiêm vắc xin Covid-19. Người dân khi đến tiêm ngừa tại đây đều tuân thủ phòng chống dịch. Khoảng 13 giờ 20 phút, nhân viên y tế thông báo người dân đầu tiên vào tiêm vắc xin Covid-19. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó chủ tịch P.Bình Thuận (Q.7, TP.HCM), cho biết dự kiến tiêm cho 107 người là thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng.
Theo ghi nhận, có một số người huyết áp cao, có bệnh nền..., sau khi khám sàng lọc đã được tư vấn đi tiêm tại các BV. Ngoài ra, công tác tổ chức tại một số điểm tiêm khác chưa kịp thời có thể do hạn chế về thời gian.

TP.HCM tiêm được bao nhiêu liều vắc xin Covid-19 trong số hơn 800.000 liều?

Tiêm phủ 95% đối tượng ưu tiên

Trưa 21.6, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn TP.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng đây là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, công tác chuẩn bị gấp rút nhưng vẫn đảm bảo chu đáo. Toàn TP có 946 đội tiêm chính thức, 59 đội tiêm dự phòng, các đội tiêm đã được Bộ Y tế tập huấn công tác an toàn tiêm chủng, sở y tế tập huấn lại một lần nữa. Mỗi đội sẽ tiêm cho 200 người/ngày, tổng cộng tiêm cho 189.200 người/ngày. Điều đặc biệt của chiến dịch này có sự tham gia của các BV tuyến T.Ư, y tế tư nhân.
Ngành y tế cơ cấu 1 đội tiêm chủng gồm 5 nhân sự (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng); tổ hành chính có 3 người gồm 1 nhân sự tổ chức khai báo y tế, sàng lọc và bổ sung giấy tờ cam kết, 2 nhân viên địa phương nhập dữ liệu, cấp giấy chứng nhận; tổ an ninh có 7 người. Bên cạnh đó, có 4.000 đoàn viên thanh niên hỗ trợ sắp xếp bố trí hướng dẫn người dân đảm bảo giãn cách, trật tự.
Tại các điểm tiêm chủng đều có xe cấp cứu và ê kíp túc trực để xử lý, nếu có sự cố thì trong vòng 2 - 3 phút sẽ có xe cấp cứu tới. Trường hợp xảy sự cố, người dân sẽ được hưởng toàn bộ chính sách của bảo hiểm y tế. Trước khi tổ chức tiêm đồng loạt, ngành y tế đã tiêm chủng ở một số khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) và các tổ Covid-19 cộng đồng.
Ông Nam thông tin, ngành y tế sẽ rút kinh nghiệm khi tổ chức, tiếp nhận, lấy thông tin, hỗ trợ sau tiêm (giãn cách, tránh tình trạng người tiêm chủng tập trung, mất trật tự). Nếu tiêm hết số lượng vắc xin nhận được trong vòng 5 - 7 ngày tới, TP.HCM sẽ có độ bao phủ vắc xin 6% dân số.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 4 tập trung cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19, làm việc ở các đơn vị trọng yếu. Phấn đấu đạt 95% đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo kế hoạch.

Sáng 22.6: Thêm 47 ca Covid-19, TP.HCM có 36 bệnh nhân

Đến cuối năm sẽ có 5 - 10 triệu liều

Về nguồn cung vắc xin sắp tới, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay sẽ có 2 nguồn. Thứ nhất là nguồn Chính phủ cấp, từ nay đến cuối năm VN nhận hơn 100 triệu liều vắc xin, nếu tính theo quy mô dân số thì TP.HCM có khoảng 10 triệu liều vì chiếm khoảng 10% dân số cả nước. Xét theo độ tuổi, hiện 75% dân số TP.HCM ở độ tuổi 18 - 65 tuổi nên số lượng người dân được tiêm vắc xin sẽ ít hơn. Nguyên nhân là một số loại vắc xin yêu cầu về độ tuổi, như AstraZeneca yêu cầu từ 18 tuổi trở lên, Pfizer thì cho từ 12 tuổi trở lên.
Đối với nguồn TP.HCM chủ động tìm kiếm, ông Đức cho biết trong quá trình triển khai, TP.HCM đều tham vấn ý kiến chuyên gia, thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và các nhà cung cấp.
Tính đến nay, TP.HCM được Bộ Y tế cấp 4 đợt vắc xin Covid-19. Đợt 1 có 8.000 liều, đợt 2: 55.000 liều, đợt 3: 70.000 liều và đợt 4: 836.000 liều; tổng cộng 969.000 liều. TP.HCM đã tiêm xong đợt 1, 2 và đang tiêm đợt 3 với khoảng 44.000 người được tiêm mũi 1 và gần 51.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Đợt 4 này, TP.HCM đã phân bổ cụ thể cho các đối tượng. Cụ thể, các nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp), tổng số 128.000 liều; trong đó, quân đội (30.000 liều), công an (20.000 liều), hải quan (1.500 liều), tổ Covid-19 cộng đồng 49.500 liều. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải (bến xe, nhà ga, tài xế xe buýt, xe khách, xe công nghệ, taxi…), du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, viễn thông, xăng dầu, hàng hóa trên 100.159 liều. Giáo viên, người làm việc tại cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người là 120.000 liều. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế 70.000 liều. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch: công nhân KCX, KCN, KCNC, công viên phần mềm... là 420.000 liều.
Trước thông tin các hãng vắc xin chỉ làm việc với Chính phủ, ông Đức thông tin bên cạnh Chính phủ thì các hãng cũng làm việc với chính quyền địa phương. Hiện TP.HCM đã tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất chứ không thông qua trung gian. “Hiện nguồn mà TP.HCM đang hướng đến là có khoảng 5 - 10 triệu liều trong năm nay”, ông Đức nói.
Về kinh phí mua vắc xin, theo ông Đức, sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tiếp cận nhanh nhất nguồn vắc xin và tổ chức tiêm chủng cho người dân bởi nếu sử dụng ngân sách thì phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công tốn nhiều thời gian hơn. Ông Đức khẳng định, tất cả người lao động làm việc trong KCN, KCX, KCNC và KCN phần mềm sẽ được tiêm vắc xin chứ không hề có sự phân biệt, chọn lọc giữa các doanh nghiệp. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người được tiêm chủng mũi 1 loại vắc xin nào thì mũi 2 sẽ được tiêm đúng loại đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.