TP.HCM: Kết nối 37.000 camera phục vụ thành phố thông minh

23/06/2019 06:03 GMT+7

Ngày 22.6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 18 tháng triển khai đề án “ Thành phố thông minh ” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Tại hội nghị, đại diện các sở ngành, quận, huyện đã báo cáo về việc triển khai xây dựng TP.HCM trở thành "thành phố thông minh" sau 18 tháng đề án ban hành, với các nội dung trọng tâm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế, xã hội; Trung tâm an toàn thông tin; Chính quyền điện tử...

Phủ sóng camera ở vị trí trọng điểm

Một trong những kết quả đáng chú ý là Trung tâm điều hành chỉ huy của "thành phố thông minh" đã khánh thành từ tháng 4.2019. Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho hay trung tâm đang kết nối hơn 1.000 camera. Các camera này có công cụ phân tích nâng cao dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp việc theo dõi, giám sát hình ảnh một cách trực quan, sinh động và hỗ trợ các tính năng phân tích phục vụ các mục đích an ninh, trật tự và giao thông... Tuy nhiên, ông Cường đánh giá con số thử nghiệm 1.000 camera vẫn còn ít so với quy mô TP có tới 37.000 camera. Thời gian tới Sở phối hợp với cơ quan liên quan thiết kế hạ tầng kết nối, tích hợp toàn bộ số camera này.
Chủ tịch UBND Q.1 Nguyễn Văn Dũng cho biết đến nay quận đã tích hợp 750 camera ở khu dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn. Trong đó, nhiều camera có khả năng bao quát tầm xa, nhận diện mặt người lắp đặt tại các vị trí trọng điểm như trước trụ sở UBND TP.HCM và UBND Q.1, công trường Công xã Paris, Lãnh sự quán Mỹ, Lãnh sự Trung Quốc, Thảo Cầm Viên, công trường Mê Linh... Trung bình 1 ngày hệ thống camera Q.1 nhận được 30 tin báo, cảnh báo về an ninh và trật tự đô thị ở quận gửi về điện thoại của lãnh đạo quận và phường để xử lý tình huống. Q.1 sẽ tăng cường lắp đặt hệ thống camera ở những vị trí trọng điểm khác.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Q.12, cho biết trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh của quận với số lượng 600 camera đã hoàn thành giai đoạn 1; giai đoạn 2 sẽ lắp đặt 287 camera tại 161 điểm nóng, vị trí trọng điểm và 14 giao lộ giám sát. Q.12 cũng bắt đầu triển khai giải pháp phân tích dữ liệu hình ảnh từ camera, bước đầu sẽ ứng dụng trong lĩnh vực an ninh, giao thông.

Chi 500 tỉ đồng để xây dựng đề án

Với vai trò Trưởng ban chỉ đạo đề án xây dựng TP.HCM thành "thành phố thông minh", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh thời gian tới TP phải ứng dụng một cách rộng rãi, bài bản chương trình của đề án. UBND TP cần có hướng dẫn, lộ trình về việc xây dựng kho dữ liệu của từng ngành và đưa ra quy chế sử dụng dữ liệu của TP trong quý 3.2019.
Bí thư Thành ủy lưu ý việc xây dựng đô thị thông minh đối với sở ngành có cái chung, nhưng cũng có những đặc điểm riêng. Do đó, các sở ngành ngoài tuân thủ những điểm chung cần xây dựng những ứng dụng riêng để quản lý hiệu quả. Ngoài ra, TP cần đẩy mạnh chương trình nâng cao kỹ năng của người dân trong việc sử dụng dịch vụ điện tử, số hóa, “công dân thông minh”..., từ đó tăng hiệu quả của đề án mà TP triển khai.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay ban điều hành đã bố trí 500 tỉ đồng trong nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Theo ông Phong, riêng những cấu phần về xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ sinh thái dữ liệu mở phải sử dụng ngân sách chứ không thể tiến hành đấu thầu.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu sau hội nghị này, Sở TT-TT hoàn thành chi tiết trong từng năm của đề án từ nay cho đến năm 2025, trình UBND TP vào tháng 8.2019, trong đó có việc khảo sát lựa chọn địa điểm triển khai thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông 5G tại Q.1, 3, Khu công nghệ cao TP và Công viên phần mềm Quang Trung... Sở Nội vụ khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực riêng cho đề án "thành phố thông minh", trình UBND TP vào tháng 7.2019.

Không làm rập khuôn

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trước đây Q.1 và Q.12 được chọn thí điểm xây dựng trung tâm điều hành "thành phố thông minh". Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là sau hội nghị này, các quận còn lại cũng phải xây dựng; riêng các huyện sẽ triển khai sau tháng 11.2020. “Các sở ngành, quận, huyện khi xây dựng kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để góp phần sớm hoàn thành đề án”, ông Phong nói và khẳng định việc xây dựng "thành phố thông minh" không nên rập khuôn mà phải bắt đầu từ số liệu, tình hình thực tế của TP đang xây dựng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.