TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề then chốt tới Thủ tướng Phạm Minh Chính

13/05/2021 09:52 GMT+7

Hàng loạt nút thắt về cơ chế chính sách đặc thù, cổ phần hóa doanh nghiệp, kế hoạch đầu tư công trung hạn và một số dự án trọng điểm được TP.HCM kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính tháo gỡ.

Sáng 13.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ và các bộ ngành làm việc với UBND TP.HCM. Cùng dự có các Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo HĐND TP.HCM và các sở ngành. Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng với một địa phương sau khi được Quốc hội bầu hồi tháng 4.2021.
Trước buổi làm việc, UBND TP.HCM đã gửi dự thảo báo cáo tình hình kinh tế xã hội và các kiến nghị tới Chính phủ và Thủ tướng, một Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã ra Hà Nội trao đổi, giải trình với các bộ ngành liên quan về các kiến nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống dịch Covid-19, muốn tấn công phải phòng ngự tốt

Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ

Báo cáo tình hình kinh tế và các kiến nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chọn TP.HCM là nơi đầu tiên công tác và cho biết đây là sự khích lệ, động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM trong phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Ông Phong cho biết ngay từ đầu năm, TP.HCM đã đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm, đã xây dựng kế hoạch triển khai chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” và tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.

Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và kiến nghị các vấn đề then chốt tới Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ảnh: HMC

TP.HCM đã kiểm soát được dịch Covid -19, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xà hội đạt nhiều kết quả tích cực. “Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tổng thu ngân sách 140.000 tỉ đồng, đạt 38,4% dự toán”, ông Phong báo cáo.
Sắp tới, TP.HCM xác định công tác phòng chống dịch sẽ được ưu tiên, tập trung triển khai, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn, kiên trì các nguyên tắc chống dịch. Đồng thời, kích hoạt các bộ chỉ số an toàn phòng dịch, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, kiểm soát chủ động trên 3 vùng (hàng không, đường bộ, đường thủy), quản lý khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Gỡ điểm nghẽn để TP.HCM đột phá

Về các kiến nghị, ông Phong cho biết dù đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, nhưng tỷ lệ giữ lại của TP.HCM lại thấp nhất cả nước, giảm từ 23% xuống còn 18% trong chu kỳ ngân sách 2017 - 2021. Do đó, TP.HCM đã xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, qua đó đề xuất phương án tỷ lệ điều tiết là 23% (bằng mức giai đoạn 2011 - 2016). Ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận thông qua đề án trong năm 2021 để TP.HCM có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.
20 năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2001 phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Phong cho biết một số nội dung trong nghị định này đã không còn phù hợp, không tạo ra được cơ chế thuận lợi cho sự phát triển nên kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ ngành sớm xây dựng nghị định thay thế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó thủ tướng giải đáp các kiến nghị của TP.HCM

Ảnh: HMC

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Phong kiến nghị Thủ tướng ban hành quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, hồi đầu tháng 4.2021, Chính phủ thông báo mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM là 156.483 tỉ đồng; trong đó vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 14.873 tỉ đồng, vốn ngân sách TP.HCM là 127.683 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 13.926 tỉ đồng. Qua rà soát, số vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 14.873 tỉ đồng không đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án ODA trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 và các hiệp định vay đã ký kết và hoàn thành ký kết trong thời gian tới, nhu cầu cho các dự án ODA vay lại của thành phố là 43.391 tỉ đồng.
Đối với vốn ngân sách TP.HCM, qua rà soát, tự cân đối, ông Phong cho biết TP.HCM có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 218.576 tỉ đồng, cao hơn 90.892 tỉ đồng so với kế hoạch dự kiến của Trung ương giao. Từ cơ sở trên, TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu là 261.967 tỉ đồng.

Các kiến nghị liên quan đến thành phố Thủ Đức

Để TP.Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả Vùng kinh tế phía Nam, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức trình Chính phủ trong quý II/2021.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thành phố Thủ Đức: Diện tích, dân số và những điều cần biết

Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của Dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.
Về các chính sách ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của Công ty Intel Products Việt Nam giai đoạn 2, trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giai đoạn 1 và tác động giai đoạn 2 và đề xuất của nhà đầu tư, các cam kết, thỏa thuận đã ký với nhà đầu tư, quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện khả năng huy động các nguồn lực, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho Dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.