Tại cuộc họp bàn giải pháp trị vấn nạn karaoke tự phát của UBND TP.HCM ngày 9.3, những hệ quả từ tiếng ồn karaoke tự phát cũng được nhận diện đầy đủ, nhưng các địa phương, sở ngành tiếp tục “than” khó xử lý.
Phụ huynh không biết đưa con đi đâu học bài vào mùa thi
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB nằm trong ngưỡng chấp nhận được đối với người dân, nhưng từ 80 dB trở lên thì có thể gây điếc. Theo tính toán, những tiếng hát từ thiết bị hát karaoke có khuếch đại thì cường độ lên tới 110 dB, gấp đôi bình thường. Những người sống và tiếp xúc cường độ âm thanh lớn thì không có giấc ngủ ngon, năng suất lao động giảm, dù sử dụng thuốc an thần nhưng vẫn không tạo ra giấc ngủ bình thường. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh mãn tính tiếp xúc nhiều với tiếng ồn ảnh hưởng đến tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là người lớn tuổi. “Còn ở trong khu dân cư, khi vào mùa thi, nhiều bậc phụ huynh không biết dẫn các cháu đi đâu để học. Khi tiếng hát karaoke dừng thì các cháu cũng mệt mỏi và lăn ra ngủ”, ông Hưng nói.
Tình trạng tiếng ồn tra tấn người dân tại TP.HCM diễn ra nhiều năm qua, nhưng theo thống kê của Sở TN-MT trong 2 năm 2019 - 2020, các quận huyện chỉ xử lý 141 trường hợp vi phạm, trong đó có 20 trường hợp vi phạm tại khu dân cư, với tổng số tiền phạt… 2,6 triệu đồng.
Ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho hay những ngày qua khi lực lượng chức năng của phường đi kiểm tra thì các địa điểm kinh doanh gây ồn dè chừng hơn, nhưng khi lực lượng rút về thì lại ồn ào như cũ. Theo ông Phương, đối với các cơ sở kinh doanh gây ồn ào có thể áp dụng Nghị định 155/2019 để xử phạt, nhưng với hoạt động gây ồn lưu động như karaoke kẹo kéo gắn trên xe chạy loanh quanh trên đường, len lỏi vào khu phố thì khó xử lý. Do vậy, ông Phương đề nghị cần có quy định cụ thể hơn để xử phạt những trường hợp này.
Chủ tịch UBND Q.12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng trong khi việc xử phạt còn gặp khó thì địa phương vận dụng hương ước, vận động người dân ký cam kết không hát karaoke tại nhà gây ồn ào, nếu vi phạm thì cảnh sát khu vực và tổ dân phố đến nhắc nhở. Song ông Hiếu đề xuất TP.HCM có quy chế yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm về xử lý tiếng ồn, phát hiện vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, nếu tái phạm thì lập biên bản cảnh cáo, vi phạm lần thứ 3 trở đi thì xử phạt hành chính. Trước bất cập về quy định cán bộ phường xã không có thẩm quyền đo tiếng ồn, ông Hiếu đề xuất mở lớp tập huấn và cấp chứng chỉ về thẩm định tiếng ồn để cấp phường xử phạt kịp thời.
Áp dụng 4 nghị định để xử lý tiếng ồn
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định hành vi gây tiếng ồn từ hát karaoke tự phát, sản xuất kinh doanh... là vấn nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân. TP.HCM quyết tâm xử lý triệt để và nghiêm túc tất cả hành vi gây ra tiếng ồn trong khu dân cư. “Chúng ta không bất lực, vẫn có cách làm nhưng hiện chúng ta chưa thực sự làm tốt”, ông Hoan nhìn nhận.
Trước tình trạng các địa phương “than” không có máy đo tiếng ồn để xử phạt, ông Hoan cho rằng máy đo chỉ áp dụng được ở không gian cụ thể, còn không gian công cộng thì không thể áp dụng. “Từ nay về sau đừng nhắc lại chuyện này nữa mà phải áp dụng giải pháp khác. Cứ loay hoay chỗ không có công cụ để đo âm thanh, không có người để thực hiện nhiệm vụ và thời điểm không phù hợp để chúng ta buông quản lý vấn đề tiếng ồn là không đúng”, ông Hoan nói và cho rằng một hành vi có thể vận dụng nhiều quy định khác nhau, có sự phối hợp của các cơ quan để xử lý.
Cao điểm 2 giai đoạnTừ nay đến cuối năm, TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 kéo dài đến cuối tháng 5.2021, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động cam kết, kiểm tra, nhắc nhở và hoàn thiện các quy định pháp luật để phổ biến đến người dân; giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính về tiếng ồn.
Giai đoạn 2 từ tháng 6 đến cuối năm 2021, các địa phương tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo 4 nghị định.
|
Theo ông Hoan, TP.HCM có thể áp dụng 4 nghị định để xử phạt hành vi gây ồn. Trong đó, Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ được áp dụng để xử phạt hành vi đậu, đỗ xe ở lòng lề đường. Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội để xử phạt hành vi gây huyên náo khu dân cư; có thể áp dụng khoản 3, điều 6 của nghị định này để tịch thu phương tiện gây ồn. Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể được áp dụng để xử lý tiếng ồn trong hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh karaoke, vũ trường, bar. Cuối cùng là Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý hành vi kinh doanh ngành nghề có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh.
Bình luận (0)