TP.HCM: Mổ cấp cứu một phụ nữ tiêm chất làm đầy gây hoại tử mông

01/09/2021 19:34 GMT+7

Đã có nhiều chị em tiêm chất làm đầy vào "vòng 3" gây hoại tử, nhiễm trùng, để lại nhiều di chứng, nhưng rồi vụ việc này vẫn xảy ra.

Ngày 1.9, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung (Bệnh viện JW TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu nữ bệnh nhân P.T.T (37 tuổi, ngụ Q.8) do tiêm chất làm đầy gây áp xe “vòng 3", nhiễm trùng.
Bệnh nhân cho biết vào năm 2016 đã từng tiêm chất làm đầy là filler để nâng mông. Sau này, vì muốn "vòng 3” đầy đặn nên chị đi tiêm Hyaluronic Acid (HA) Collagen vào hai bên mông, tại một spa ở TP.HCM.
“Vào tháng 1.2021, khi nghe nhân viên spa giới thiệu cấy HA Collagen sẽ giúp vòng 3 căng tròn mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe với giá gần 80 triệu đồng nên tôi tin tưởng”, nữ bệnh nhân chia sẻ.
Nhưng chỉ 2 tuần sau khi tiêm, “vòng 3” của chị T. sưng to, bóng đỏ, sốt liên tục… Chị quay lại spa và được chọc chỗ sưng, nặn mủ ra, kèm lời an ủi “từ từ sẽ hết”. Nhưng khi về nhà thì tình trạng diễn tiến nặng hơn, “vòng 3” đau nhức, sẹo thâm đen và vùng bị chọc thủng vẫn rỉ dịch mủ liên tục nhiều ngày. Chị đã điều trị tại spa này suốt 4 tháng.

Phải đến bệnh viện để được điều trị dứt điểm

Khi thất vọng với hướng giải quyết của spa, chị T. tự mời bác sĩ khác đến nhà để điều trị cho mình suốt 2 tháng gần đây. Cứ mỗi tuần, bác sĩ đến nhà riêng của chị để hút dịch mủ từ “vòng 3”. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là phương án tạm thời nên chị T. đã quyết định tìm kiếm bệnh viện để được điều trị dứt điểm.
Sau khi đi nhiều bệnh viện nhưng bị từ chối, chị T. đã được TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung tiếp nhận. Qua thăm khám, ông đánh giá bệnh nhân cần được chỉ định mổ cấp cứu do đã bị hoại tử nghiêm trọng “vòng 3”. Sau khi xét nghiệm Covid-19, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, ê kíp phẫu thuật gồm 10 thành viên đã có mặt trước đó.
Quá trình mổ, bác sĩ thấy ổ dịch và khối áp xe đang tấn công gây ảnh hưởng “vòng 3”, vào sâu các thớ cơ của bệnh nhân. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ê kíp bóc tách toàn bộ ổ áp xe, lấy ra hơn 1 lít dịch mủ, tế bào chết.
“Trường hợp này nhiễm trùng nặng, vi khuẩn và vi trùng đi nhiều ngóc ngách và bệnh nhân mang khối áp xe đến 6 tháng, nên sau phẫu thuật bệnh nhân phải đặt thêm máy hút áp lực âm liên tục từ 1 - 2 tuần mới hy vọng bệnh trạng giảm nhanh”, bác sĩ Tú Dung cho biết.
Bác sĩ Tú Dung cảnh báo thêm, tuyệt đối không tiêm chất làm đầy vào “vòng 3”. Nếu đã tiêm nếu bị nhiễm trùng, tụ áp xe thì phải vào bệnh viện chuyên khoa và cần bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm để giải phẫu xử trí khối áp xe. Không nên cứ thấy mủ chảy thì nặn ra và nghĩ sẽ tự hết. TS-BS cũng khuyến cáo, chị em phụ nữ không tin những quảng cáo về việc tiêm cất "HA Collagen tươi" để làm đầy bầu ngực, mông, vì nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.